Tiền gửi khách hàng vào TPBank giảm
Theo Báo cáo tài chính Hợp nhất quý I/2024 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), tính đến ngày 31/3/2024, nhà băng này có quy mô tài sản ở mức trên 355.000 tỷ đồng, giảm khoảng 700 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, khoản nợ phải trả chiếm hơn 321.600 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của công ty chỉ hơn 34.190 tỷ đồng.

Do kinh doanh tiền là đặc thù chung của ngành ngân hàng nên việc chênh lệch cao giữa hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu không chỉ với riêng TPBank mà ở hầu hết các ngân hàng TMCP.
Điểm đáng quan tâm nhất trên bảng cân đối kế toán quý I/2024 của TPBank có lẽ là việc khách hàng giảm gửi tiền tại nhà băng này.
Theo đó, chỉ số tiền gửi khách hàng giảm từ hơn 208.261 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023 xuống còn hơn 190.480 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024.

Chiều cho vay của TPBank cũng có sự suy giảm. Theo đó, cho vay khách hàng giảm từ hơn 202.586 tỷ đồng (31/12/2023) xuống còn hơn 198.127 tỷ đồng (31/3/2024).
Mặc dù cho vay khách hàng có sự suy giảm, song lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng. Quý I/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.462 tỷ đồng tăng nhẹ so với 1.431 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.
Về chất lượng cho vay, nhóm nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nhóm nợ nghi ngờ là trên 1.495 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2023, con số này là hơn 1.426 tỷ đồng. Nhóm nợ có khả năng mất vốn cũng tăng từ hơn 1.115 tỷ đồng hồi cuối 2023 lên hơn 1.402 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2024. Như vậy, nợ xấu nội bảng của TPBank (bao gồm cả nợ nhóm III) đạt hơn 4.480 tỷ đồng – tăng so với thời điểm cuối 2023.
Nợ xấu gia tăng, trong khi dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lại liên tục âm. Tại quý I/2024, chỉ số này âm hơn 2.701 tỷ đồng. Hồi cuối 2023, chỉ số này cũng âm hơn 2.675 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý là số liệu nợ xấu nội bảng của TPBank có chiều hướng gia tăng qua các năm. Các năm từ 2021, 2022, 2023, chỉ số nợ xấu nội bảng tăng lần lượt là hơn 1.115, 1.357 và 4.200 tỷ đồng. Có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 2023 tăng đột biến.
Lợi nhuận sau thuế của TPBank cũng có sự suy giảm. Năm 2022, chỉ số này ở mức hơn 6.260 tỷ đồng, nhưng đến 2023 giảm còn hơn 4.464 tỷ đồng – thấp hơn cả năm 2021 với hơn 4.829 tỷ đồng.
Mối quan hệ chéo giữa TPBank và hệ sinh thái Doji
Dù là mô hình tập đoàn, song hoạt động và các mối quan hệ qua lại giữa TPBank với hệ sinh thái Doji của doanh nhân Đỗ Minh Phú mang hơi hướng của mô hình Holdings và đậm tính chất gia đình.
Bắt đầu từ doanh nhân Đỗ Minh Phú. Trước khi làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, ông Phú từng kinh qua các chức vụ Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giai đoạn 2007- 2017. Năm 2012, ông Phú đảm đương chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank sau khi Doji tái cơ cấu thành công nhà băng này.

Tại TPBank, những cá nhân có liên quan đến ông Phú gồm: Đỗ Minh Đức, Đỗ Vũ Phương Anh (con ruột), Đỗ Anh Tú, Trung Thị Lâm Ngọc, Đỗ Quỳnh Anh, Đỗ Minh Quân, Đỗ Tất Cường, Nguyễn Thị Thu Hương, Bùi Quang Tuyến có tên trong danh sách nắm giữ cổ phần.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji – hệ sinh thái của gia đình ông Phú cũng nắm giữ gần 6% cổ phần tại TPBank. Theo Fireant – một công cụ mang tính tham khảo về chứng khoán, tài chính, nếu cộng tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến ông Đỗ Minh Phú thì tỳ lệ sở hữu của nhóm này tại TPBank xấp xỉ 19%.
Về hệ sinh thái Doji, hai người con của ông Đỗ Minh Phú là Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức ngoài việc nắm giữ cổ phần tại TPBank còn đảm đương vai trò lãnh đạo tại Doji. Tháng 10/2023, bà Đỗ Vũ Phương Anh chính thức trở thành Tổng giám đốc của Doji. Trước đó, chức vụ này thuộc về ông Đỗ Minh Đức.
Nhìn vào hệ sinh thái của Doji có thể thấy, hoạt động kinh doanh của Doji không chỉ dừng lại ở lĩnh vực vàng bạc, đá quý mà còn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, du lịch, sản xuất, khoáng sản… Hiện Doji có 14 đơn vị thành viên và 4 đơn vị liên kết. Doji giới thiệu Ngân hàng TPBank nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn với tư cách là đơn vị liên kết góp vốn. Ngoài TPBank, Doji còn có 4 đơn vị có cổ phần khác gồm Công ty Đầu tư và Khoáng sản Yên Bái, Công ty Cổ phần Diana Unicharm và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển N&G.
Ngoài mối quan hệ chéo với hệ sinh thái Doji, TPBank cùng với TPS còn được biết đến là trung gian thu xếp các thương vụ phát hành trái phiếu cho Vinahud – một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn R&H với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.