Thị trường lao động khởi sắc, quay lại bình thường như trước dịch COVID-19

Admin
(Chinhphu.vn) – Tình hình lao động, việc làm quý I/2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp giảm. Đây là quy luật thường thấy ở quý có Tết Nguyên đán.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Bộ LĐTB&XH tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ cũng chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình sản xuất - kinh doanh, lao động, việc làm, nhất là của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.

Đặc biệt, các đơn vị đã tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm; nâng cao hiệu quả quản lý, điều tiết cung - cầu lao động để kết nối hiệu quả người lao động với người sử dụng lao động. Triển khai các giải pháp để xây dựng, hình thành thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Chính vì vậy, tình hình lao động, việc làm quý I/2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19. Lực lượng lao động giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp giảm. Đây là quy luật thường thấy ở quý có Tết Nguyên đán.

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả ước tính là 52,4 triệu người (giảm 137,4 nghìn người so với quý trước và tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước); tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% (đều giảm 0,4% so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước).

Trong quý I/2024, lao động có việc làm ước tính là 51,3 triệu người (giảm 127,0 nghìn người so với quý trước và tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng (tăng 301 nghìn đồng so với quý IV/2023 và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023). Tính chung quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 258,8 nghìn người, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký và tăng 21,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM dự báo trong quý I/2024, TPHCM cần khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo quý I có thể nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ vào khoảng 30.000-40.000 người và có thể lên đến 100.000 người.

Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỷ luật lao động. Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Theo khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM), thị trường lao động quý I vừa qua sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023 khi nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề tăng 11,22%. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại-dịch vụ với gần 54.000 chỗ làm việc, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực công nghiệp-xây dựng với hơn 29.000 chỗ làm việc, tăng 5,46%…

Tại Hà Nội, những tín hiệu cũng cho thấy thị trường lao động khởi sắc. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tuy còn nhiều khó khăn song có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động Hà Nội tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành sẽ có xu hướng tăng trưởng.

"Xu hướng tuyển dụng đa dạng, phân bố trên nhiều ngành nghề, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước), tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng ... (tăng khoảng 10 - 15%). Ngoài ra, nhóm ngành về khoa học, công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn do ảnh hưởng của xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên toàn cầu. Ngành kinh doanh bất động sản cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn trở lại sau khi bị đóng băng trong nửa đầu năm 2023", ông Vũ Quang Thành cho biết thêm.

Chú trọng kết nối việc làm giữa các địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, để phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, Bộ LĐTB&XH tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong năm 2024.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Bộ cũng sẽ chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (nơi có nguồn nhân lực dồi dào); đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.

Các địa phương cũng thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường lao động để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động để kịp thời hỗ trợ việc làm cho người lao động, kết nối cung cầu lao động.

Trong 4 tháng đầu năm đã có 595.887 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 10% so với cùng kỳ, 6.470 người được hỗ trợ học nghề, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động kết nối việc làm với các địa phương cũng được đẩy mạnh hơn, thông qua phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu. Nhờ đó, thị trường lao động các địa phương sẽ gần nhau hơn. Việc này hỗ trợ doanh nghiệp khi có nhiều nguồn tuyển lao động, cũng như người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn; công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi là việc ở nước ngoài được chú trọng.

Trong tháng 4/2024, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 12.430 người (2.710 lao động nữ). Tính chung 4 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 48.363 lao động, đạt 38,7% kế hoạch năm 2024 (kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024 là khoảng 125.000 lao động).

Thu Cúc