Thi vào 10: Sợ bốc thăm vào môn tích hợp, giáo viên phân loại học sinh để ôn tập

Admin
Thầy cô giáo lo lắng nếu đến cuối tháng 3/2025 mới công bố số môn thi vào 10 sẽ rất khó để ôn tập cho học sinh, khi năm nay lần đầu tiên áp dụng thi theo Chương trình GDPT 2018.

Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên lứa học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi vào 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018. Đây cũng Là kỳ thi được đánh giá có tỉ lệ cạnh tranh cao, việc thay đổi trong cách thi, phương thức thi càng khiến cho học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo chú trọng việc ôn tập ngay từ sớm.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Đặng Thị Thanh Thuỷ - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường, Hà Đông, Hà Nội bày tỏ sự thay đổi trong kỳ thi năm nay là nỗi băn khoăn, trăn trở của cả giáo viên và phụ huynh.

"Ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường và bố mẹ đã trao đổi để cùng đồng hành với các con trong năm cuối cấp này. Chúng tôi đã chủ động chia các lớp chính thành từng lớp nhỏ theo trình độ của học sinh để dễ dàng trong việc ôn tập", bà Đặng Thị Thuỷ cho hay.

Trước đó, đối với giáo viên cũng đã được tham dự sinh hoạt chuyên đề chuyên về cách thức tiếp cận, đổi mới phương pháp giảng dạy học sinh khối 9.

Thi vào 10: Sợ bốc thăm vào môn tích hợp, giáo viên phân loại học sinh để ôn tập- Ảnh 1.

Nhiều thay đổi trong cách ra đề thi từ năm 2025 (Ảnh: Hữu Thắng).

"Năm nay là năm đầu tiên lớp 9 triển khai Chương trình GDPT 2018, nên bản thân giáo viên cũng rất lo lắng. Các buổi họp chuyên môn chúng tôi đều phân tích, "mổ xẻ" cấu trúc đề mới, so sánh với các bài thi trước kia để từ đó rút ra cách tiếp cận cho năm học này. Nhà trường cũng bố trí giáo viên có kinh nghiệm để giảng dạy khối 9, đồng hành cùng các em vượt qua năm học cuối cấp tốt nhất", bà Thuỷ cho hay.

Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi vào 10 từ năm 2025 của 7 môn học, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học.

Theo bà Thuỷ nhà trường cũng chuẩn bị các phương án ôn tập để tránh việc học sinh bị dồn kiến thức khi phải chờ đến đầu năm sau mới biết được số môn thi chính thức .

Bà Đặng Thị Thanh Thuỷ cho hay: "Ngoài 2 môn Toán, Ngữ Văn, theo sau sẽ là môn tiếng Anh được nhà trường chú trọng ôn tập. Riêng đối với Khoa học tự nhiên có lượng kiến thức lớn, khi một môn nhưng phải học kiến thức 3 phân môn, nếu để sát thời gian thi mới ôn tập sẽ rất khó cho học sinh. Để đảm bảo hiện chúng tôi đã sắp xếp thêm tiết học Lý và Hoá trong tuần để ôn tập cho các em".

Thi vào 10: Sợ bốc thăm vào môn tích hợp, giáo viên phân loại học sinh để ôn tập- Ảnh 2.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT luôn được đánh giá là kỳ thi căng thẳng với tỉ lệ chọi cao (Ảnh: Hữu Thắng).

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường với sự thay đổi như hiện nay, giáo viên cũng phải thay đổi trong cách ra đề thi để học sinh được làm quen. Những câu hỏi về mốc thời gian sẽ ít hơn, thay vào đó là những câu mang tính đánh giá, nhận định. "Câu hỏi giờ đây theo hướng mở, không còn chỉ là một đáp án, thay vào đó để học sinh có thể trả lời nhiều phương án khác nhau, miễn là các con phải trình lập luận, phản biện", bà Thuỷ cho hay.

Tại Trường THCS Ba Đình, Ba Đình, Hà Nội các em học sinh cũng đã sớm sẵn sàng cho những thay đổi của kỳ thi sắp tới.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình cho hay: "Để giúp học sinh có tinh thần ôn tập tốt nhất, ngay từ đầu năm học chúng tôi đã xây dựng kế hoạch khảo sát hàng tháng, từ đó giúp các em tự đánh giá năng lực của mình. 

Đây cũng là căn cứ để giáo viên nắm bắt được năng lực học sinh, đánh giá kết quả giảng dạy để có điều chỉnh kịp thời phù hợp với trình độ học trò. Ngoài ra, với những học sinh có học lực yếu, kém ở các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh để tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng thêm không thu học phí".

Thi vào 10: Sợ bốc thăm vào môn tích hợp, giáo viên phân loại học sinh để ôn tập- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình.

Trường THCS Ba Đình chia 3 giai đoạn ôn tập cho các em, trong đó từ nay đến tháng 2/2025 sẽ tổ chức ôn tập trọng tâm theo từng mảng kiến thức với 2 môn Toán, Ngữ văn và tăng cường môn tiếng Anh.

Từ đầu tháng 3 đến tháng 5 khi đã có thông tin về môn thi thứ 3, nhà trường kết hợp luyện đề và ôn tập chuyên đề với các môn đi thi, chia nhóm nhỏ để ôn tập. Ở giai đoạn nước rút sẽ tổ chức luyện đề, thi thử, đánh giá chính xác năng lực trình độ học sinh.

Để đáp ứng Chương trình GDPT mới, việc đánh giá, kiểm tra học sinh cũng được thay đổi từ các bài kiểm tra định kỳ, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: "Đối với học sinh lớp 9 việc đánh giá năng lực, trình độ là rất quan trọng. Nếu đánh giá đúng, hợp lý còn là sự động viên, kích thích việc học tập, giảm áp lực với học sinh".

Xây dựng 24 năng lực số yêu cầu người học phải đáp ứng

Đặc biệt, với các môn đi thi nhà trường yêu cầu giáo viên phải chấm và đánh giá chi tiết từng nội dung làm bài của học sinh, tạo điều kiện cho các em đánh giá lẫn nhau để các em từng bước tiến bộ.

Trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Đỗ Văn Bảo - Giáo viên Toán ở Hà Nội đánh giá đề thi minh hoạ các môn thi vào lớp 10 tại Hà Nội được thiết kế bám sát Chương trình GDPT 2018, chú trọng kiểm tra toàn diện các kiến thức và kỹ năng của học sinh, đặc biệt là khả năng ứng dụng thực tế.

"Đối với môn Toán đề thi minh hoạ chú trọng kiểm tra toàn diện các kiến thức và kỹ năng của học sinh, đặc biệt là khả năng ứng dụng thực tế. Các câu hỏi giữ được 60-70% cấu trúc truyền thống nhưng đã có sự đổi mới về nội dung và cách thức ra đề, giúp đánh giá học sinh một cách toàn diện hơn. Độ khó của đề thi ở mức vừa phải, có sự phân hóa rõ ràng để tuyển chọn học sinh khá giỏi", thầy Đỗ Văn Bảo cho hay.

Theo thầy giáo các năm trước, đề thi thường có sự phân hóa rõ ràng giữa học sinh khá giỏi và trung bình qua các câu hỏi đại số và hình học thuần túy. Đề thi minh hoạ đã đưa thêm yếu tố thực tiễn vào, khiến học sinh không chỉ cần có kiến thức mà còn phải hiểu cách áp dụng kiến thức đó vào các tình huống cụ thể.

Thầy Đỗ Văn Bảo cũng bày tỏ: "Cấu trúc đề thi năm minh hoạ đã có sự đổi mới đáng kể so với các năm trước, có sự phân loại nội dung kiến thức trong các bài, sự xen kẽ giữa các dạng bài và đặc biệt là tăng cường các bài toán thực tế. Điều này phản ánh đúng định hướng của chương trình giáo dục mới, tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức và tư duy tổng hợp của học sinh".

Học sinh khối 9 năm nay nên có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi theo dạng mới này, bằng cách tập trung trên lớp học, chủ động học tập ở nhà, gia tăng tự học thêm củng cố, ôn luyện kiến thức, tìm kiếm thêm các đề minh hoạ.

Ngoài kiến thức cơ bản, theo thầy giáo các em cũng cần luyện giải thêm các bài toán liên quan đến đời sống thực tế, các dạng giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, các bài toán về sản xuất và quản lý, hoặc bài toán liên quan đến hình học không gian.