Thiết bị giúp UAV “phản đòn” tác chiến điện tử

Admin

Cuộc chiến ở Ukraine, thường được coi là cuộc chiến máy bay không người lái (UAV/drone) đầu tiên trên thế giới, đã khiến cả 2 bên trong cuộc xung đột phải dựa vào các “bầy đàn” máy bay không người lái cỡ nhỏ để giám sát vị trí của đối phương và thả bom hay nhắm hỏa lực vào mục tiêu.

Những máy bay không người lái nhỏ, rẻ tiền này, thường được trang bị công nghệ góc nhìn thứ nhất (FPV), đang ngày càng được triển khai hiệu quả trên chiến trường thay cho máy bay có người lái hoặc tên lửa vốn đắt hơn nhiều.

Tuy nhiên, “kẻ thù” số 1 của những chiếc máy bay không người lái này là các hệ thống tác chiến điện tử (EW) vốn có thể dễ dàng gây nhiễu tín hiệu vô tuyến, khiến UAV bắn trượt mục tiêu hoặc rụng xuống.

Trong bối cảnh đó, một công ty điện tử khởi nghiệp có trụ sở tại Los Angeles, bang California, Mỹ, đang nỗ lực phát triển các giải pháp cho vấn đề này, cung cấp công nghệ chống nhiễu để Ukraine và các quốc gia đồng minh sử dụng.

Nền tảng SKY MANTIS 2 của Evolve Dynamics đã sử dụng công nghệ vô tuyến chống nhiễu của Doodle Labs ở Ukraine. Ảnh: DroneLife

Nền tảng SKY MANTIS 2 của Evolve Dynamics đã sử dụng công nghệ vô tuyến chống nhiễu của Doodle Labs ở Ukraine. Ảnh: DroneLife

“Tôi nghĩ ban đầu điều đó thật bất ngờ, nhưng đã có vô số đổi mới và cách sử dụng sáng tạo đáng kinh ngạc của máy bay không người lái trong chiến tranh”, ông Amol Parikh, đồng giám đốc điều hành của Doodle Labs, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với DroneLife công bố hôm 8/7.

Ông Parikh cho biết, trong những tháng gần đây, công ty đã tập trung hỗ trợ nhiều nhà sản xuất máy bay không người lái – bao gồm cả những nhà sản xuất có trụ sở tại Ukraine, cũng như nhà sản xuất từ các quốc gia đồng minh như PDW, một công ty của Mỹ, và Evolve Dynamics có trụ sở tại Anh – bằng cách cung cấp cho họ công nghệ chống nhiễu sử dụng cho máy bay không người lái thuộc nhiều loại hình và kích cỡ khác nhau được sử dụng trong thực chiến.

Thiết bị thú vị này của Doodle Lab có tên là Sense (cảm giác), mang lại một tính năng mới cho công nghệ Mesh Rider Radios – bộ định tuyến MANET (mạng tùy biến di động) được phát triển như một phần mở rộng của nền tảng vô tuyến được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, “nhằm giải quyết các thách thức về gây nhiễu đối với robot tầm xa, quan trọng và các ứng dụng của nhóm được kết nối để có liên kết dữ liệu linh hoạt hơn”, theo một tuyên bố của Doodle Lab.

“Khả năng chống nhiễu này của Sense thực sự hữu ích và hiệu quả trong các môi trường như vậy”, ông Parikh nói. “Các máy bay không người lái có bán trên thị trường không sử dụng bất kỳ loại liên kết dữ liệu đặc biệt nào như của chúng tôi hoạt động ở các dải tần Wi-Fi tiêu chuẩn, vốn đã được biết đến và rất dễ bị nhiễu”.

Điều này cũng đúng với máy bay không người lái FPV, một số được chế tạo từ đầu. Mặc dù chúng đã được chứng minh là vũ khí hiệu quả đáng ngạc nhiên trên chiến trường và có thể được sản xuất với chi phí rất thấp – khiến chúng được ưu tiên sử dụng hơn so với các loại vũ khí đắt tiền hơn nhiều – nhưng chúng vẫn ẩn chứa một lỗ hổng lớn. Chúng thường được bay bằng bộ điều khiển RC, truyền tín hiệu trên băng thông phổ biến và do đó rất dễ bị làm nhiễu.

“Chúng đại diện cho một cơ hội. Thay vì bỏ ra hàng chục nghìn USD cho mỗi máy bay không người lái, giờ đây các vị chỉ cần vài trăm USD”, ông Parikh cho hay khi đề cập đến chi phí nâng cấp các drone để chúng chống chọi tốt hơn trước tác động của EW.

Thiết bị Sense của Doodle Labs cung cấp cho máy bay không người lái khả năng linh hoạt về tần số, khả năng của hệ thống vô tuyến để nhanh chóng thay đổi tần số hoạt động. Công nghệ này làm cho bộ điều khiển RC của máy bay không người lái FPV trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng khắc phục các nỗ lực gây nhiễu trong khi chi phí vẫn ở mức thấp.

Minh Đức (Theo DroneLife)