Thông tin mới liên quan số phận các căn cứ quân sự của Nga ở Syria

Admin
Sự hiện diện của các căn cứ quân sự Nga tại Syria sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận song phương giữa hai nước.

Các thành viên chủ chốt của phe đối lập Syria được cho là đã tham gia đối thoại với các quan chức Nga tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và Doha (Qatar) sau những diễn biến gần đây ở Damascus, theo báo Nga Izvestia số ra ngày 27/12.

Thông tin trên được ông Anas al-Abdah, đại diện của Liên minh các lực lượng đối lập quốc gia Syria (NCSROF) đưa ra trong cuộc trò chuyện với Izvestia.

Trong các cuộc thảo luận, cả hai bên đã xem xét các đề xuất về cơ cấu quản lý tương lai của Syria. Ông Abdah nhấn mạnh rằng sự hiện diện của các căn cứ quân sự Nga tại Syria sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận song phương giữa hai nước.

Vị đại diện cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi đắp mối quan hệ mang tính xây dựng dựa trên lợi ích chung của người dân Syria và Nga.

Thông tin mới liên quan số phận các căn cứ quân sự của Nga ở Syria- Ảnh 1.

Nga có 2 căn cứ quân sự ở Syria là Căn cứ Hải quân Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải và Căn cứ Không quân Khmeimim gần thành phố cảng Latakia. Ảnh: Getty Images

Cho đến nay, ban lãnh đạo của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) vẫn kiềm chế không yêu cầu Nga rút quân. HTS là nhóm đã dẫn đầu lực lượng đối lập giành quyền kiểm soát trung tâm đầu não Damascus vào ngày 8/12, buộc ông Bashar al-Assad phải từ chức và rời khỏi đất nước.

Tình hình Syria: Các nhóm vũ trang đồng ý “đầu quân” cho Bộ Quốc phòng SyriaĐỌC NGAY

"Lập trường thận trọng mà giới lãnh đạo mới của Syria áp dụng đối với các tài sản quân sự của Nga phù hợp với chiến lược rộng lớn hơn của họ nhằm đạt được tính chính danh trong mắt cả các bên trong khu vực và cộng đồng toàn cầu", ông Grigory Lukyanov, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo trực thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết trong một tuyên bố gửi tới Izvestia.

HTS vẫn tiếp tục tự coi mình là một thực thể hòa bình, tích cực tìm kiếm sự công nhận quốc tế cho các cấu trúc quản lý của mình tại các vùng lãnh thổ mà ảnh hưởng của mình chiếm ưu thế, vị chuyên gia lưu ý.

"Các căn cứ quân sự của Nga trên đất Syria không gây trở ngại trực tiếp cho các mục tiêu chính trị của HTS. Ngược lại, các cơ sở này đang được sử dụng để tạo điều kiện cho việc rút quân và nhân sự khỏi các căn cứ khác của Nga trong khu vực", ông Lukyanov giải thích.

Nhà nghiên cứu này cũng tuyên bố thêm rằng các căn cứ quân sự của Nga không trở thành điểm tập hợp cho các phe phái Alawite hoặc tàn dư của quân đội Syria dưới thời chính quyền cũ, vốn bị HTS coi là kẻ thù.

Nga có 2 căn cứ quân sự ở Syria: Căn cứ Hải quân Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải và Căn cứ Không quân Khmeimim gần thành phố cảng Latakia. Chúng được coi là nằm trong số những tiền đồn quân sự quan trọng nhất về mặt chiến lược của Điện Kremlin.

Căn cứ Tartus đặc biệt quan trọng, cung cấp cho Nga quyền tiếp cận trực tiếp duy nhất tới biển Địa Trung Hải và là căn cứ để tiến hành các cuộc tập trận hải quân, đồn trú tàu chiến và thậm chí là nơi chứa tàu ngầm hạt nhân.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, sau Damascus, phiến quân đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, nơi đặt cả 2 căn cứ quân sự của Nga.

Điện Kremlin cho biết họ đang thực hiện các bước để "thiết lập liên lạc tại Syria với những bên có khả năng đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự", theo người phát ngôn Dmitry Peskov.

Minh Đức (Theo TASS, Euronews)

Tham khảo thêm
Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2: Hiệu quả làm nên “huyền thoại”Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2: Hiệu quả làm nên “huyền thoại”
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khả năng cơ động tuyệt vời của hệ thống tên lửa chống hạm RBS15 Mk3Khả năng cơ động tuyệt vời của hệ thống tên lửa chống hạm RBS15 Mk3