Thủ tướng đề nghị rà soát các chính sách về quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh

Admin
(PNTĐ) - Chiều 7/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Tin liên quan

Cần quy định về cơ chế tài chính linh hoạt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Bùng nổ trong đăng ký doanh nghiệp mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Bộ Tài chính đã báo cáo 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần được thể chế hóa.

Nhóm thứ nhất, bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào 10 cơ chế, chính sách cụ thể.

Thủ tướng đề nghị rà soát các chính sách về quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 

(ảnh Nhật Bắc).

Nhóm thứ hai, là các nhiệm vụ, giải pháp có nội dung rõ ràng, cần thể chế hóa hoặc sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9. Nhóm này gồm 8 cơ chế, chính sách, đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương rà soát, bổ sung vào các dự thảo luật trình Quốc hội.

Nhóm thứ ba, bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách, cần thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan. Bộ Tài chính đề xuất đưa nhóm nội dung này vào Chương trình hành động của Chính phủ để giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, triển khai theo lộ trình.

Thủ tướng đề nghị rà soát các chính sách về quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh - ảnh 2
Quang cảnh hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần khẩn trương thể chế hóa các chủ trương của Đảng nhằm đưa chính sách vào cuộc sống. Phải trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cả nước phải đạt 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động - gấp đôi so với con số gần 1 triệu doanh nghiệp hiện nay sau gần 40 năm đổi mới.

Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp phát triển thì đất nước mới phát triển. Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng nhanh nhất có thể, đơn giản nhất có thể và chi phí ít nhất có thể. Trong đó, đặc biệt cần tập trung đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và phá sản.

Cùng với đó, có cơ chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân, như khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 68 với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công bảo đảm "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm.

Thủ tướng cũng lưu ý cần đẩy mạnh, làm tốt công tác truyền thông chính sách về phát triển kinh tế tư nhân theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị rà soát các chính sách về quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và hợp tác công tư.

Đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc đặt hàng các công trình, dự án cho doanh nghiệp thực hiện với nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đội vốn và không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cơ chế thông thoáng nhưng phải có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra.

Về thuế, những nội dung nào có thể làm được ngay thì khẩn trương triển khai, những nội dung cần nghiên cứu thêm thì tiếp tục nghiên cứu.