Ngày 6/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao với nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát ở 3 khía cạnh là giữ vững, củng cố và tăng cường.
Thứ nhất, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển. Xử lý hài hòa, ổn thỏa một số vấn đề phát sinh nổi lên trong quan hệ với các đối tác quan trọng. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và nâng cấp quan hệ với các đối tác, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi .
Thứ ba, không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao, thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao công nghệ, ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài...
Cơ bản nhất trí với các bài học kinh nghiệm mà các đại biểu đã nêu, Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học quan trọng.
Một là kiên trì đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hai là nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tham mưu đúng, trúng, không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại, đối tượng, địa bàn.
Ba là xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có lòng tự tôn dân tộc, hoài bão lớn, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và có tính chuyên nghiệp cao.
Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Thủ tướng đề nghị toàn ngành ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để góp phần cùng cả nước tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin và tăng cường, củng cố hy vọng của nhân dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, với quan điểm coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng lúc.
Thứ nhất, mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể.
Thứ hai, giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống.
Thứ ba, hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp internet và internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới…
Thứ tư, hoàn thành việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Thứ năm, xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành ngoại giao.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh quốc gia, xây dựng nền ngoại giao hiện đại và chuyên nghiệp; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; đẩy mạnh chống tiêu cực, lãng phí…
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành ngoại giao sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, triển khai mạnh mẽ, toàn diện các nhiệm vụ được giao, tiếp tục đạt những kết quả đột phá, thiết thực hơn nữa, tiếp tục là điểm sáng của nhiều năm tiếp theo, đóng góp thiết thực, hiệu quả, tạo nền tảng đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng.