Thúc đẩy phát triển thương mại bền vững ngành gỗ Việt Nam – Trung Quốc

Admin
(Chinhphu.vn) - Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gỗ chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam (tương đương 2 tỷ USD trong năm 2023). Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu bao gồm dăm gỗ, gỗ ván và veneer, với vai trò là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Trung Quốc.
Thúc đẩy phát triển thương mại bền vững ngành gỗ Việt Nam – Trung Quốc- Ảnh 1.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dăm gỗ, gỗ ván và veneer làm nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Trung Quốc - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ hai

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2024 đã đạt 14,6 tỉ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ chiếm phần lớn với 10,06 tỉ USD, tăng 22%.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững FSC hoặc PEFC, và mục tiêu đến năm 2030 là đạt 1 triệu ha rừng trồng có chứng chỉ bền vững. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ xuất khẩu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ vẫn gặp nhiều khó khăn, bao gồm chi phí cao, thiếu nguồn lực và nhận thức hạn chế từ các chủ rừng và hộ nông dân.

Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại gỗ của Việt Nam, không chỉ ở khía cạnh nhập khẩu mà còn ở xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổ chức Forest Trends, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam (tương đương 2 tỷ USD trong năm 2023). Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu bao gồm dăm gỗ, gỗ ván và veneer, với vai trò là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD gỗ mỗi năm từ Trung Quốc, phần lớn là veneer có nguồn gốc từ Nga (gỗ dương) và các sản phẩm gỗ công nghiệp khác. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này đặt ra thách thức lớn khi các sản phẩm nhập khẩu này đôi khi không đáp ứng tiêu chuẩn khuyến khích từ các thị trường quốc tế như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.

Sự tương quan giữa xuất khẩu và nhập khẩu gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc thể hiện rõ nét sự phụ thuộc lẫn nhau: Việt Nam cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cung cấp các sản phẩm gỗ đã qua chế biến phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ này cần được quản lý một cách bền vững để tránh rủi ro về nguồn gốc gỗ và tuân thủ các quy định quốc tế về thương mại gỗ hợp pháp.

Thúc đẩy phát triển thương mại bền vững ngành gỗ Việt Nam – Trung Quốc- Ảnh 2.

Hiện nay nguồn cung sản phẩm chất lượng cao tại Trung Quốc vẫn còn thiếu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhu cầu gỗ từ thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn

Ông Trương Lịch Yến, đại diện Hiệp hội Công nghiệp Lâm sản Trung Quốc (CNFPIA) cho biết hiện nay nguồn cung sản phẩm chất lượng cao tại Trung Quốc vẫn còn thiếu. Năng lực cung ứng sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường đa dạng ngày càng cao, đồng thời tồn tại tình trạng dư thừa nguồn cung cấp sản phẩm cấp thấp. Một số sản phẩm gặp phải vấn đề đồng nhất hóa nghiêm trọng, trong khi năng lực sản xuất lạc hậu trong các ngành công nghiệp truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Bởi vậy, mức độ phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu từ nước ngoài vẫn còn lớn.

Trung Quốc và Việt Nam đều đang triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và bảo vệ tài nguyên rừng. Dự án InFit của Trung Quốc là một ví dụ tiêu biểu, tập trung vào việc đầu tư thương mại bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ một cách hiệu quả. Trung Quốc đã đưa ra các quy định chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro trong thương mại gỗ quốc tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Ở Việt Nam, các chính sách thúc đẩy chứng chỉ rừng bền vững, chẳng hạn như FSC và PEFC, đang được tăng cường nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Chính phủ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, cho phép giám sát toàn diện từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nền tảng thương mại gỗ hợp pháp và bền vững.

Cả hai nước cũng đang thảo luận hợp tác phát triển công nghệ chế biến gỗ ít phát thải và tiết kiệm năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp gỗ. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp cải thiện hình ảnh thương mại gỗ của hai quốc gia trên thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phòng Chế biến và thương mại lâm sản, (Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT), Việt Nam hiện có trên 22.000 cơ sở chế biến gỗ, trong đó hộ gia đình chiếm phần lớn. Các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác. Ngành lâm nghiệp đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc gia, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức như nguồn nguyên liệu không ổn định và áp lực cạnh tranh quốc tế.

Trong năm 2024, Việt Nam dự kiến khai thác hơn 21 triệu m3 gỗ, bên cạnh 9 triệu m3 gỗ từ cao su và rừng trồng phân tán. Với chính sách tạm dừng khai thác gỗ tự nhiên từ năm 2014, nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào gỗ từ rừng trồng và nhập khẩu. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như ưu đãi thuế và khuyến khích đầu tư vào trồng rừng, nhằm giảm áp lực lên rừng tự nhiên và đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Truy xuất nguồn gốc gỗ là nhiệm vụ cấp thiết khi hội nhập quốc tếTruy xuất nguồn gốc gỗ là nhiệm vụ cấp thiết khi hội nhập quốc tế
Tham khảo thêm
Quy định mới về gỗ hợp phápQuy định mới về gỗ hợp pháp