Phát biểu tại Hội thảo, bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, các đại biểu, doanh nghiệp tham gia Hội thảo không chỉ bởi chuyển đổi xanh giờ không còn được xem là một xu thế mà là một điều tất yếu mà doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu, muốn phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng đã chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, nguồn lực để có thể từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hoá mong muốn này không đơn giản, thậm chí là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp”, bà Huyền nói.
Thách thức ở đây, theo bà Huyền, từ thay đổi về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, đến các bước thực hiện “chuyển đổi xanh” trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh như đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu hao năng lượng; thay đổi quy trình sản xuất, vận hành; tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh…
Hội thảo cung cấp những thông tin cơ bản về các phương pháp để chuyển đổi xanh, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp giải pháp về công nghệ, tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng nhau chia sẻ thông tin, và thảo luận về các sáng kiến, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo nói riêng trong quá trình chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bà Diệu Huyền nhấn mạnh.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng trong việc tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã thiết kế những chương trình hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Trần Thanh Nam – Trưởng phòng Tín dụng, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động theo Quyết định số 2168/QĐ-BTNMT ngày 05/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, công khai, minh bạch, bình đẳng. Vốn điều lệ hiện tại của Quỹ là 1.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP tối thiểu 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, đối tượng cho vay là các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư các dự án bảo vệ môi trường. Lãi suất vay ưu đãi 2,6%/năm hoặc 3,6%/năm; lãi suất cố định suốt thời gian vay. Thời gian vay vốn tối đa 10 năm; thời gian ân hạn tối đa 2 năm. Số tiền cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Hiện tại, mức cho vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư.
“Trong thời gian tới, mức cho vay đối với một chủ đầu tư có thể lên đến 10% vốn điều lệ thực có của Quỹ tại thời điểm cho vay, tương đương 120 tỷ đồng”– ông Trần Thanh Nam cho biết thêm.
Tương tự, ông Trần Sỹ Thuần – Giám đốc Chi nhánh Đống Đa, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho rằng: Để hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, Ngân hàng SeABank đã có những sản phẩm dành riêng cho phụ nữ làm chủ, với điều kiện rất dễ tiếp cận.
Bên cạnh SeABank, bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Phó giám đốc, Ban Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết: BIDV cũng có những sản phẩm hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh. Hiện BIDV cũng là ngân hàng giải ngân lớn nhất cho Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Phát biểu tại hội thảo, bà Parimita Mohanty – Quản lý Chương trình về năng lượng tái tạo, Khối tài chính, Ban Biến đổi Khí hậu, Văn phòng Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chia sẻ: UNEP cũng nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp do nữ làm chủ, trong đó có những hỗ trợ tài chính, theo đó doanh nghiệp sẽ được tiếp cận những khoản vay với lãi suất thấp hơn.
Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi xanh chỉ mang lại tác động khi được triển khai ở quy mô lớn, có tính bao trùm và hệ thống - để thấy rõ được lợi ích, lĩnh vực công (mua sắm công xanh) cần tạo lực đẩy để lĩnh vực tư tham gia. Chuyển đổi xanh vừa là quá trình, vừa là mục tiêu. Vì vậy, cần thường xuyên đánh giá, giám sát để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời. Mục tiêu chuyển đổi xanh phải được thực hiện trong sản xuất, tiêu dùng và loại bỏ
Để đạt được mục tiêu bao trùm, công bằng trong quá trình chuyển đổi công xanh cần có các chỉ tiêu, chỉ số giám sát đánh giá cụ thể đối với các khía cạnh như kinh tế, môi trường và xã hội.