Thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông

Admin
(Chinhphu.vn) - Thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông được coi là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí khi thanh toán các dịch vụ giao thông.
Thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông- Ảnh 1.

Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông". Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Chiều 30/9, tại Hà Nội, Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông".

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đã phân tích, chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm nhằm đưa ra giải pháp để xây dựng hoàn thiện phương thức thanh toán hiện đại, tiện ích, góp phần phát triển chất lượng dịch vụ giao thông tại Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Mục tiêu là trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông cả với thu phí đỗ xe tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định…

Tại Hội thảo, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong thời gian tới, các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ đều được thanh toán thông qua tài khoản giao thông.

Mô hình triển khai thanh toán điện tử sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ quản lý. Đối với lĩnh vực Bộ quản lý sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay.

Về lộ trình triển khai, ông Toàn cho biết, dự kiến từ ngày 1/10/2024 khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện sẽ thực hiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.

Theo đúng lộ trình đề ra, từ 1/7/2026 sẽ chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Còn từ ngày 1/10/2024 đến 1/7/2026 sẽ vẫn thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Cục Đường bộ Việt Nam đã tính toán và đưa ra giải pháp đảm bảo kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định, ngành đường bộ đã và đang nỗ lực đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia giao thông. Một minh chứng rõ nét là hệ thống trạm thu phí tự động. Mặc dù ban đầu gặp nhiều thách thức trong triển khai nhưng đến nay đã có hơn 5,6 triệu phương tiện áp dụng hình thức này, chiếm tới 97% lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường bộ.

Để phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đơn vị sẽ đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thành khuôn khổ pháp lý, triển khai hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Văn Hiền