Thực tế ảm đạm ở Afghanistan sau 3 năm Taliban trở lại nắm quyền

Admin
Taliban đã biến Afghanistan thành quốc gia duy nhất trên thế giới ngăn cản trẻ em gái và phụ nữ theo học các trường trung học, đại học.

Đã 3 năm kể từ ngày Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul và Mỹ kết thúc một trong những cuộc chiến ở nước ngoài dài nhất của mình, bức tranh kinh tế - xã hội Afghanistan vẫn gồm những gam màu xám ảm đạm.

Những con số buồn

Ít nhất 1,4 triệu trẻ em gái ở Afghanistan đã bị từ chối quyền tiếp cận giáo dục trung học kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul vào năm 2021, tương lai của cả một thế hệ hiện đang "bị đe dọa", theo UNESCO.

Việc tiếp cận giáo dục tiểu học cũng đã giảm mạnh, với số trẻ em gái và trẻ em trai đi học tiểu học là 5,7 triệu vào năm 2022, ít hơn 1,1 triệu so với con số năm 2019, tổ chức giáo dục của Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 15/8.

Đây thực sự là những con số buồn khi chính quyền Taliban kỷ niệm 3 năm kể từ khi tiếp quản Afghanistan vào ngày 15/8/2021.

"UNESCO lo ngại về hậu quả có hại của tỉ lệ bỏ học ngày càng lớn này, có thể dẫn đến gia tăng lao động trẻ em và tảo hôn", cơ quan này cho biết. "Chỉ trong 3 năm, chính quyền trên thực tế (Taliban) đã gần như xóa sổ 2 thập kỷ tiến bộ ổn định về giáo dục ở Afghanistan và tương lai của cả một thế hệ hiện đang bị đe dọa".

Thực tế ảm đạm ở Afghanistan sau 3 năm Taliban trở lại nắm quyền- Ảnh 1.

Các nữ sinh viên Afghanistan theo học tại Đại học Kabul năm 2010. Taliban áp đặt lệnh cấm phụ nữ Afghanistan học đại học từ tháng 12/2022. Ảnh: Getty Images

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, hiện có gần 2,5 triệu trẻ em gái Afghanistan bị tước quyền được giáo dục, chiếm 80% trẻ em gái trong độ tuổi đi học ở quốc gia Tây Nam Á này. Tình trạng giáo dục đại học cũng đáng lo ngại không kém, với số lượng sinh viên đại học đã giảm 53% kể từ năm 2021.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục vận động "để mở cửa trở lại trường học và trường đại học vô điều kiện cho trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan".

Chính quyền Taliban, không được bất kỳ quốc gia nào khác công nhận, đã áp đặt các hạn chế đối với phụ nữ, biến Afghanistan thành quốc gia duy nhất trên thế giới ngăn cản trẻ em gái và phụ nữ theo học các trường trung học và đại học.

Taliban hôm 14/8 đã kỷ niệm 3 năm nắm quyền bằng một cuộc diễu hành quân sự tại căn cứ không quân Bagram. Căn cứ này từng đóng vai trò là chốt chặn cho các hoạt động do Mỹ lãnh đạo chống lại Taliban trong 2 thập kỷ.

Lực lượng Taliban đã chiếm Kabul vào ngày 15/8/2021, sau khi chính phủ do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ và các nhà lãnh đạo của chính phủ này phải lưu vong. Ngày này được Taliban kỷ niệm sớm hơn một ngày theo lịch Afghanistan.

Tương lai bất định

Đối với chính quyền Taliban, an ninh là ưu tiên hàng đầu khi họ củng cố quyền lực trong 3 năm qua, thực thi luật dựa trên cách giải thích nghiêm ngặt của họ về đạo Hồi.

Phát biểu tại cuộc diễu hành, Phó Thủ tướng Maulvi Abdul Kabir tái khẳng định không có quốc gia nào được phép can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan, và cũng không sử dụng lãnh thổ Afghanistan để chống lại bất kỳ quốc gia nào.

Mặc dù cũng có người Afghanistan bày tỏ sự nhẹ nhõm sau 40 năm xung đột liên tiếp, thực tế là nền kinh tế đất nước vẫn trì trệ và người dân chìm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng.

"3 năm qua là một trong những khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời chúng tôi", Zalmai, 26 tuổi, làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận, cho hay.

"Tôi không biết Taliban đang nói về vấn đề an ninh nào. Mọi người đang đói, thanh niên không có việc làm… cả trẻ em gái và trẻ em trai đều phải đối mặt với tương lai bất định", thanh niên này nói thêm.

Thực tế ảm đạm ở Afghanistan sau 3 năm Taliban trở lại nắm quyền- Ảnh 2.

Các thành viên của Taliban ngồi trên một chiếc xe quân sự trong cuộc diễu hành quân sự ở Kabul, Afghanistan, tháng 11/2021. Ảnh: Fox News

Phóng viên Osama Bin Javaid của Al Jazeera cho biết, đã có những nỗ lực phục hồi nền kinh tế, nhưng không quốc gia nào chấp nhận Taliban là chính phủ hợp pháp ở Afghanistan, và các hạn chế tài chính quốc tế lớn vẫn đang được áp dụng.

"Taliban nói rằng họ thừa hưởng một đất nước phá sản trong một hệ thống kinh tế tham nhũng phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài", phóng viên Bin Javaid cho biết. "Dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Afghanistan cũng đã bị Mỹ đóng băng".

Một tuyên bố chung từ các nhóm phi chính phủ quốc tế đã cảnh báo về khoảng cách tài trợ viện trợ ngày càng gia tăng, với 23,7 triệu người Afghanistan cần hỗ trợ nhân đạo.

Phụ nữ đã bị đẩy ra khỏi đời sống công cộng – bị cấm làm nhiều công việc cũng như đến công viên và phòng tập thể dục – và bị cấm học trung học và đại học.

"3 năm đã trôi qua kể từ khi giấc mơ của các cô gái bị chôn vùi", Madina, một cựu sinh viên đại học 20 tuổi ở Kabul, nói với hãng thông tấn AFP. "Thật cay đắng khi hằng năm, ngày này lại nhắc nhở chúng tôi về những nỗ lực, hồi ức và mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra cho tương lai".

Bà Alison Davidian, người đứng đầu văn phòng quốc gia của UN Women tại Afghanistan, nói với Al Jazeera: "3 năm trước, về mặt kỹ thuật, một phụ nữ ở Afghanistan có thể quyết định tranh cử Tổng thống. Bây giờ, cô ấy thậm chí không thể tự quyết định khi nào mình có thể đi mua đồ tạp hoá. Tôi không nói rằng 3 năm trước, mọi thứ hoàn hảo. Nó không hề hoàn hảo. Nhưng nó không phải như hiện nay".

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đức có động thái mới liên quan vụ phá hoại đường ống Nord StreamĐức có động thái mới liên quan vụ phá hoại đường ống Nord Stream

Minh Đức (Theo Digital Journal, Al Jazeera, Anadolu)