Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử.
Thương mại điện tử tăng trưởng 28,5% so với năm trước
Báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 28,5% so với năm trước.
"Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế", bà Lê Hoàng Oanh bày tỏ.
Thống kê cho thấy, Việt Nam tăng trưởng TOP đầu thế giới và khu vực với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong TOP10 của thế giới; quy mô thương mại điện tử 20,5 tỷ USD năm 2023; quy mô kinh tế số 30 tỷ USD, TOP 3 Đông Nam Á. Dự kiến, thương mại điện tử sẽ đạt 45 tỷ USD năm 2025.
Bà Lê Hoàng Oanh cũng chỉ ra rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Khảo sát mới đây, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp thừa nhận giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử chiếm 10-30%.
Bên cạnh đó, thị trường phổ biến ứng dụng thương mại điện tử cho xuất khẩu gồm Hàn Quốc chiếm 45%; Nhật Bản chiếm 40%; Trung Quốc chiếm 38%. Số lượng trung bình nhà mua hàng sản phẩm Việt Nam đã tăng 55%; số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng tăng 24%.
Chính phủ đã có nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ cho thương mại điện tử xuyên biên giới như: Ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia 2021-2025 và 2026-2030; Triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn xuất khẩu online; giải pháp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu…
Nhận định từ các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ưu điểm vượt trội của thương mại điện tử xuyên biên giới là giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng doanh số, đưa hàng đến thị trường và đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Cùng với đó, việc nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu của thị trường, thông qua chat trực tuyến, đánh giá sản phẩm trực tuyến, thông tin phản hồi của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường nhanh hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường về quy mô thị trường và thời vụ; Xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài… Vì vậy, doanh nghiệp không khai thác sẽ có đối thủ cạnh tranh khai thác, bị "mất chỗ" ngay.
Vẫn còn một số rào cản...
Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới như hạn chế hiểu biết về quy định, pháp luật thị trường, thông tin thị trường sở tại, rào cản ngôn ngữ, thuế quan, logistics, thanh toán…Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp MSME.
Ông Liu Liang, Đại diện Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc), Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Vân Nam cho biết, Việt Nam đã có sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cùng đó là một lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ đã tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc.
Có thể nhận thấy, sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn như thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Cần một 'hệ sinh thái' thương mại điện tử hoàn chỉnh hơnTheo ông Liu Liang, Vân Nam không chỉ là cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, mà còn là điểm nút quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử giữa hai nước. Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cần xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh hơn.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới logistics kho bãi, xây dựng thêm kho ngoại quan và trung tâm phân loại, đảm bảo hàng hóa Việt Nam thông quan nhanh chóng. Cùng đó, thông qua dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực hiện phân tích thị trường chính xác, giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Mặt khác, thúc đẩy doanh nghiệp thương mại điện tử hai nước tổ chức nhiều hoạt động giao lưu và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử có tầm nhìn quốc tế.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác, ông Liu Liang cho rằng tới đây cần tăng cường liên kết ngành thông qua việc tổ chức thêm triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới và hội nghị kết nối thương mại, tạo nền tảng giao lưu cho doanh nghiệp. Cùng đó, đổi mới mô hình hợp tác, khám phá mô hình thương mại mới như sử dụng công nghệ blockchain để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của chuỗi cung ứng. Đặc biệt, thúc đẩy thương mại điện tử xanh, khuyến khích bao bì thân thiện với môi trường và logistics carbon thấp, đóng góp cho sự phát triển bền vững toàn cầu.
Giới thiệu tiềm năng và cơ sở hạ tầng logistics trong xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho hay: Để bắt kịp với nhu cầu thị trường, VNPost đã từng bước triển khai mở rộng dịch vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng dựa trên 4 trụ cột chính gồm hành chính công, dịch vụ bưu chính, tài chính bưu chính và kinh doanh phân phối.
Tới đây, VNPost sẽ mở rộng hợp tác, định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số; tăng cường năng lực 3PL, 4PL. Mặt khác, triển khai giải pháp công nghệ, quy trình dịch vụ và chất lượng nhân sự đáp ứng mô hình logistics 3PL/4PL. Ngoài ra, kết nối với nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế để tích hợp mô hình quản lý dịch vụ trong nước và quốc tế.
"Mục tiêu đến năm 2030 giá trị phân phối hàng hoá qua mạng lưới của VNPost đạt 1 tỷ USD và xây dựng mạng lưới chuyển đổi số cho xấp xỉ 500.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc", ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Bà Lê Hoàng Oanh cũng khuyến nghị doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng Việt nên tham gia sàn thương mại điện tử uy tín để được hỗ trợ, đỡ tốn kém đầu tư. Cùng đó cần đầu tư cho thương hiệu sản phẩm, tìm đối tác bản địa để hỗ trợ logistic và chăm sóc khách hàng, nắm bắt thị hiếu, nghiên cứu kỹ quy định nước sở tại, đồng thời tận dụng các chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương.
Phan Trang