Tin tức Đời sống 14/1: Đề phòng tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ vào dịp Tết

Admin
Cập nhật tin tức Đời sống ngày 14/1:Đề phòng tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ; Hai vợ chồng cùng mắc ung thư vì 'thủ phạm' quen thuộc trên bàn ăn...

Đề phòng tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, cứ mỗi năm vào dịp Tết, số lượng trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích thường gia tăng.

TS.BS Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm trực Tết, chứng kiến không ít trường hợp trẻ nhập viện do lỗi bất cẩn, chủ quan của bố mẹ vì quá bận rộn, ít để ý đến con trong ngày Tết như dị vật hô hấp, bỏng, đuối nước, các tai nạn sang chấn do ngã, va đập…

Trẻ tiếp xúc với các loại hạt như hạt dẻ cười, hạt hướng dương, hạt bí, mứt các loại… khi không có sự giám sát của người lớn, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi từ 2-5 tuổi rất hiếu động, tò mò, chưa ý thức được việc làm của mình và thường hay có thói quen đưa vật lạ vào miệng ngậm, có thể dẫn tới dị vật đường thở. Đây là điều rất nguy hiểm vì có thể gây nên tình trạng ngạt thở và tử vong nhanh chóng nếu bố mẹ không biết cách xử trí kịp thời. Một loại dị vật đặc biệt nguy hiểm nữa hay gặp là sặc thạch. Đây là dị vật rất khó có thể gắp tại cơ sở y tế bởi các dụng cụ thông thường và gây nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đường thở.

Bên cạnh đó, những tai nạn bỏng, hóc dị vật, ngộ độc thực phẩm, pháo nổ, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông xảy ra với trẻ, nhẹ có thể chữa khỏi, nặng sẽ tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Vì vậy, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ.

Cũng theo chuyên gia, một tai nạn mà trẻ có thể gặp phải trong ngày Tết là bị động vật cắn khi đi chúc Tết. "Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công. Hoàn cảnh bị tấn công chủ yếu xảy ra khi mọi người đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc vật nuôi trong dịp Tết. Điều quan ngại là rất nhiều vật nuôi tấn công người đã không được tiêm vaccine phòng dại trước đó. Vào các đợt nghỉ dài, người dân tiếp cận với huyết thanh và vaccine phòng dại cũng khó khăn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi tai nạn xảy ra mọi người cần rất sớm đến các cơ sở y tế để được sơ cứu, xử lý vết thương. Đồng thời phải tiêm ngay, càng sớm càng tốt huyết thanh kháng dại và vaccine mới giúp ngăn chặn bệnh bùng phát và tử vong" - BS Vinh cho hay.

Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), mỗi dịp Tết, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, chủ yếu do các tác nhân từ môi trường xung quanh. Trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi đặc biệt dễ bị hóc dị vật hoặc gặp phải các tai nạn liên quan đến đồ vật trong nhà.

BS Hùng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến sự an toàn của trẻ, nhất là khi tham gia các hoạt động vui chơi, nấu nướng, hoặc đi du lịch. Không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện. Các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng. Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn. Thuốc diệt chuột có hình dáng bên ngoài khá giống với một số loại thạch và nước uống cho trẻ em, do vậy nếu gia đình có dự trữ thuốc diệt gián chuột cần nên được cất giữ cẩn thận.

Bên cạnh đó, các thuốc điều trị bệnh mạn tính của người trong gia đình như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch cần cất giữ cẩn thận, như để trong hộp riêng, có khóa…

Hai vợ chồng cùng mắc ung thư vì 'thủ phạm' quen thuộc trên bàn ăn

Ngày 12/1, tờ Sina đưa tin, bà Lưu, sống ở Phúc Kiến (Trung Quốc) khi đi khám được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Sau đó, người chồng cũng bị căn bệnh tương tự.

Bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến hai người cùng mắc bệnh có thể xuất phát từ thói quen ăn nhiều đồ muối chua.

Tin tức Đời sống 14/1: Đề phòng tai nạn sinh hoạt ở trẻ nhỏ vào dịp Tết- Ảnh 1.

Hai vợ chồng bà Lưu đều bị mắc ung thư dạ dày. Ảnh: Sina

Vợ chồng bà Lưu thường xuyên làm đồ muối chua để dùng trong bữa cơm hằng ngày. Đây là thói quen ăn uống đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Theo bác sĩ, thực phẩm ngâm chua có hàm lượng muối cao, chứa nitrit và các chất khác.

Khi đi vào dạ dày, nitrit sẽ kết hợp các axit amin trong thực phẩm khác như thịt, cá, tôm… để trở thành nitrosamine gây hại cho sức khỏe. Chất nitrosamine có khả năng gây ung thư, thường gặp là ung thư dạ dày. Nếu thường xuyên ăn dưa muối, một người sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm ung thư, đặc biệt đối với những người đang ốm hoặc bị các bệnh liên quan đến đường ruột.

Trước đó, Bệnh viện Liên hiệp Phúc Kiến từng ghi nhận trường hợp tương tự. Người phụ nữ 34 tuổi họ Trương đến khám sức khỏe phát hiện có một vết loét nhỏ trong dạ dày. Kết quả sinh thiết cho thấy cô đã bị ung thư dạ dày. Có nhiều khả năng tình trạng bệnh này liên quan đến việc cô ăn uống thất thường và thường xuyên dùng đồ muối chua.

Theo "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc", lượng muối ăn hằng ngày của mỗi người không được vượt quá 5g muối. Người dân muốn ăn đồ chua mà vẫn đảm bảo sức khỏe thì nên giảm lượng muối, bổ sung các loại rau quả giàu vitamin C. Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh có thể ức chế việc sản xuất nitrit trong dưa chua.

Hai vợ chồng ở Hải Dương bị sốt Sodoku do chuột cắn

Ngày 14/1, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về việc các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận, điều trị khỏi bệnh cho 2 bệnh nhân là vợ chồng bị sốt cao, nhiễm trùng nặng do bị chuột cắn.

Theo đó, 2 bệnh nhân là ông N.T.P. (68 tuổi) và vợ là bà P.T.V. (61 tuổi) ở Hải Dương nhập viện trong tình trạng sốt cao trên 39 độ, toàn thân gai rét và có vết thương phù nề, sưng tấy và nhiễm trùng ở bàn tay.

Qua khai thác, trước đó, vợ chồng ông bà N.T.P. cùng đuổi bắt 1 con chuột thì bị cắn vào ngón tay gây chảy máu. Sau đó, vợ chồng ông bà N.T.P. nghĩ đơn giản chỉ rửa tay xà phòng và nhỏ dầu gió vào vết thương, nhưng sau đó 5 ngày, cả hai vợ chồng đều có hiện tượng sốt cao, li bì, mê sảng, toàn thân gai rét, vết chuột cắn sưng tấy và đau nhức. Theo dõi 2 ngày ở nhà không thấy đỡ, vợ chồng ông bà N.T.P. đã đi khám ở tuyến huyện, được tiêm phòng uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hai bệnh nhân cao tuổi này đã được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh "Sốt do chuột cắn" (Sodoku). Sau hơn 1 tuần được điều trị tích cực với phác đồ kháng sinh hiệu quả, các dấu hiệu lâm sàng đã được cải thiện rõ rệt, sức khỏe của hai bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, sốt do chuột cắn (Sodoku) là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân do xoắn khuẩn mang tên Spirillum minus có trong hầu họng của các loài chuột, lây trực tiếp qua vết cắn của chuột.

Nhiễm trùng, nhiễm độc do chuột cắn không phải là bệnh thường gặp nhưng thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp phải nhập viện và có nhiều biến chứng, diễn biến bệnh phức tạp, đe dọa đến tính mạng. Thời kỳ ủ bệnh từ 3 ngày đến 2 tuần. Các dấu hiệu của bệnh thường là sốt cao, ớn lạnh theo từng chu kỳ và tái phát, đau cơ, đau khớp, đau đầu, viêm họng, viêm hạch, nôn mửa, mệt mỏi, thậm chí mê sảng, hôn mê.

Nếu nhiễm độc nặng và không điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng, như: viêm màng não, viêm gan, viêm màng phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, thậm chí tử vong. Tại vết chuột cắn có thể có những tổn thương, như: sưng tấy, phù nề, nhiều khi xuất hiện phát ban, xuất huyết hoại tử.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nông dân hóa trang thành gấu để bảo vệ mùa màng trước loài vật “đáng sợ”Nông dân hóa trang thành gấu để bảo vệ mùa màng trước loài vật “đáng sợ”

T.M (tổng hợp)