Tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc đối với người chưa thành niên phạm tội
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục với cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), các bộ, ngành có liên quan; đã tổ chức 02 tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan tư pháp tại TP. Đà Nẵng và TPHCM (là 2 địa phương có số lượng án lớn về người chưa thành niên) để hoàn chỉnh dự thảo Luật.
“Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này. Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với TANDTC và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Hồ sơ gửi tới các đại biểu gồm có 06 loại tài liệu, với tổng cộng hơn 300 trang”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, UBTVQH đánh giá các cơ quan đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị yêu cầu “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Hồ sơ dự án Luật đã quán triệt nghiêm túc Kết luận của UBTVQH; bám sát 06 nhóm chính sách lớn đã được TANDTC trình Quốc hội thông qua; thể hiện rõ tính nhân văn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhấn mạnh đây là dự án Luật mới, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc đối với người chưa thành niên phạm tội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tham gia đóng góp ý kiến vào 10 vấn đề lớn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên để nâng cao hơn nữa chất lượng của dự án Luật này.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Luật trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần này và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Tư pháp. Đồng thời đánh giá cao Ban soạn thảo vì dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Bảo đảm chất lượng, tính hiệu quả của báo cáo điều tra xã hội
Quan tâm đến nhiệm vụ của người làm công tác xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, tại khoản 2 Điều 32 dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của người làm công tác xã hội, trong đó tại điểm a quy định nhiệm vụ “Xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng”. Tuy nhiên, với các yêu cầu về nội dung của Báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, việc giao hoàn toàn cho người làm công tác xã hội xây dựng sẽ vô cùng khó khăn.
Một số nội dung như “các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên”, “địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “đề xuất biện pháp xử lý chuyển hướng” (tại Báo cáo điều tra xã hội); “biện pháp xử lý chuyển hướng đề xuất áp dụng”, “đề xuất xử lý trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ” (tại Kế hoạch xử lý chuyển hướng) có liên quan đến chuyên môn về tội phạm học và các kiến thức tư pháp, đòi hỏi người có chuyên môn về lĩnh vực này.
Để đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả của báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nên quy định rõ với công an xã, phường, thị trấn nơi người chưa thành niên phạm tội đang cư trú phối hợp với người làm công tác xã hội xây dựng. Điều này cũng tạo thuận lợi cho người làm công tác xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Bởi vì, các thông tin, yêu cầu trong báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng hầu như công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú đều có đầy đủ và nắm bắt được, hơn nữa, trong lĩnh vực này, họ là cơ quan có chuyên môn hơn. Người làm công tác xã hội trong nhiệm vụ này chủ yếu ở vai trò phân tích, tư vấn diễn biến tâm sinh lý để đảm bảo báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng được xây dựng toàn diện, khả thi, đa chiều, có góc nhìn dưới tâm lý, độ tuổi người chưa thành niên.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về xây dựng báo cáo điều tra xã hội, tuy nhiên đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, khoản 1 Điều 54 quy định thời hạn hoàn thành báo cáo điều tra xã hội và gửi cho cơ quan có yêu cầu là 07 ngày, đề nghị nên cân nhắc cho phù hợp trong các trường hợp sau: Người vi phạm chuyển nhiều nơi cư trú khác nhau; đánh giá các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội đối với tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù tại khoản 4 Điều 54 có quy định về xây dựng Báo cáo điều tra xã hội bổ sung trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhưng đại biểu Dương Khắc Mai nhận thấy, vẫn cần quy định trường hợp ngoại lệ để có gia hạn về thời gian hoàn thành. Mặt khác, để có cơ sở vững chắc hơn hoàn thành nội dung báo cáo xã hội cơ quan điều tra khi gửi yêu cầu phải gửi kèm báo cáo lý lịch tư pháp (tiền án, tiền sự) vì đây là một trong những điều kiện tiền đề để miễn hình phạt, là cơ sở để đánh giá mức độ hành vi phạm tội.
Cần có phân trại dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội
Đề cập về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam quy định tại Điều 155, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật, không nhất thiết phải xây dựng, thành lập trại giam riêng.
“Vì dự thảo Luật hiện đã thống nhất xử lý chuyển hướng, nghĩa là những người chưa thành niên phạm tội sẽ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chứ không ở trong trại giam, người chưa thành niên phạm tội có thể ở trường giáo dưỡng…, trong khi số lượng người chưa thành niên phạm tội không nhiều. Nếu xây dựng trại giam riêng thì rất tốn kém”, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với người chưa thành niên phạm tội cần được giam giữ riêng với những người trưởng thành, do đó cần có phân trại dành riêng cho người chưa thành niên thì phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, và không nên xây dựng trại giam riêng.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) nhận thấy, dự thảo Luật quy định 2 mô hình là trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Điều này thể hiện chính sách nhân văn tốt đẹp trong dự thảo Luật này. Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng một trại giam riêng cho người chưa thành niên phạm tội là rất khó khăn.
“Chỉ có mấy trại giam trong cả nước, do đó, cự ly từ quê quán của người chưa thành niên đến trại giam có thể rất xa. Trách nhiệm của gia đình trong thăm nuôi, phối hợp để giáo dục người chưa thành niên phạm tội cũng rất khó khăn. Do đó, cần quan tâm những nội dung này trong dự thảo Luật”, đại biểu nêu rõ.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 12 đại biểu phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật, giải trình đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội, các cơ quan hữu quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.
LS