Tổng thống Trump ký sắc lệnh dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Syria

Admin
Trong ngày thứ Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh kết thúc một số biện pháp trừng phạt áp đặt lên Syria.

Trong ngày thứ Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh kết thúc một số biện pháp trừng phạt áp đặt lên Syria, chấm dứt thời kỳ cô lập quốc gia này khỏi hệ thống tài chính quốc tế và củng cố những cam kết từ phía chính quyền Washington về việc hỗ trợ quốc gia này tái kiến thiết sau cuộc nội chiến trong thời gian vừa qua.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Nhà Trắng, bà Karoline Levitt, cho biết quyết định này sẽ cho phép chính phủ Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt lên cựu tổng thống Syria vừa bị trục xuất - Bashar al-Assad, các cá nhân liên quan tới ông, cũng như những cá nhân có hành vi vi phạm nhân quyền, buôn lậu ma tuý, những cá nhân có dính líu tới hoạt động sử dụng vũ khí sinh học, ISIS, các cá nhân liên quan tới ISIS và các phe uỷ quyền của Iran.

Vào tháng 12/2024, chính quyền Bashar al-Assad bị lật đổ trong một chiến dịch chớp nhoáng được thực hiện bởi phe nổi dậy tại Syria, và chính phủ Syria từ thời điểm đó tới nay đã có các động thái nhằm khôi phục quan hệ quốc tế.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Syria Asaad al-Shibani cho biết, việc ông Trump kết thúc các biện pháp trừng phạt Syria sẽ "tạo tiền đề cho chương trình tái kiến thiết và phát triển được trông chờ từ lâu".

Ông cho biết, quyết định này sẽ "dỡ bỏ các hàng rào" ngăn cản quá trình hồi phục và mở cửa tới cộng đồng quốc tế của quốc gia này.

Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa và Tổng thống Trump đã gặp mặt tại Riyadh trong tháng 5 vừa rồi, và tại đây, ông Trump đã đề ra một thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời bất ngờ tuyên bố sẽ dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt áp đặt lên Syria.

Một số thành viên Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt, và các nước châu Âu đã tuyên bố kết thúc các biện pháp trừng phạt.

Đặc phái viên của chính phủ Mỹ tại Syria, Thomas Barrack, cho biết: "Syria cần được trao một cơ hội, và đó là điều đã xảy ra". Ông nhận định quyết định của ông Trump vào ngày thứ Hai vừa rồi là "thành quả của một quá trình tìm kiếm phương hướng dỡ bỏ biện pháp trừng phạt căng thẳng, chi tiết và hóc búa".

Trong một trang thông tin, Nhà Trắng cho biết, sắc lệnh lần này yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ cân nhắc lại việc chỉ định Hayat Tahrir al-Sham, nhóm nổi dậy có nguồn gốc từ al-Qaeda, là tổ chức khủng bố, cũng như việc chỉ định Syria là nhà nước ủng hộ tổ chức khủng bố.

Nhà Trắng cho biết, chính quyền này sẽ tiếp tục theo dõi tiến triển của Syria trên các phương diện chủ chốt bao gồm "đưa ra các bước thực tế để bình thường hoá quan hệ với Israel, giải quyết các vấn đề khủng bố ngoại quốc, trục xuất khủng bố người Palestine và ra lệnh cấm các tổ chức khủng bố Palestine".

Biện pháp trừng phạt nhiều lớp

Một cuộc điều tra của Reuters được đăng tải kết quả vào ngày thứ Hai, đã hé lộ việc lực lượng chính phủ Syria dính líu tới vụ tàn sát 1.500 người Alawite trong tháng 3/2025. Chính quyền Tổng thống Trump chưa đưa ra bình luận về kết quả này.

Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Washington có ý định dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt vào các phe bị phát hiện có dính líu tới vụ việc trên hay không.

Chính quyền Syria mong mỏi việc nới lỏng biện pháp trừng phạt này sẽ tạo tiền đề cho việc các tổ chức nhân đạo có thể hoạt động rộng rãi hơn tại quốc gia này, thúc đẩy đầu tư từ nước ngoài và đẩy mạnh giao thương trong thời gian quốc gia này tái kiến thiết.

Sau tuyên bố vào tháng 5 của ông Trump, Bộ Ngân khố Mỹ đã ban hành giấy phép tổng quan cho phép các công ty tại Mỹ thực hiện giao dịch với chính phủ lâm thời Syria cũng như với ngân hàng trung ương và các công ty quốc hữu của quốc gia này.

Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt Syria của Mỹ có nhiều lớp, và một số lớp trong đó đã được đưa vào luật pháp Mỹ, bao gồm Đạo luật Caesar. Các đạo luật này cần được bãi bỏ để Syria có thể kêu gọi đầu tư dài hạn mà không ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết: "Hiện tại, chiếu theo sắc lệnh vừa rồi, chúng tôi đang cân nhắc bãi bỏ Đạo luật Caesar".

Phần lớn các lệnh trừng phạt Syria của Mỹ được áp đặt lên chính quyền cựu Tổng thống Assad và các cá nhân chủ chốt vào năm 2011 sau khi nội chiến bùng nổ tại quốc gia này.

Quyết định dỡ bỏ biện pháp trừng phạt bao gồm một quyết định kết thúc tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ năm 2004 và các sắc lệnh liên quan bắt đầu từ ngày thứ Ba (ngày 1/7/2025).

Sắc lệnh này cũng yêu cầu đưa ra các quyết định tiếp theo, bao gồm một số quyết định liên quan tới dỡ bỏ các giới hạn về xuất khẩu và các giới hạn khác.

Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)