TPHCM tăng trưởng ổn định, xác định các giải pháp đột phá

Admin
(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, một số ngành, lĩnh vực kinh tế của TPHCM tăng trưởng ổn định, cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng chung đạt 6,46%.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức sáng 6/7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thống nhất cao với các báo cáo tại hội nghị, đặc biệt là kết quả tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, trong kết quả chung đó, TPHCM cũng đạt được những kết quả khá.

Kinh tế tăng trưởng ổn định

6 tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực kinh tế của TPHCM tăng trưởng ổn định, cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng chung đạt 6,46%, tổng mức bán lẻ hàng hóa-dịch vụ tăng 8,8%, xuất khẩu tăng 13,1%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, thu ngân sách đạt 55,7% (tăng 18% so với cùng kỳ).

Các hoạt động văn hóa-xã hội, đối ngoại, quốc phòng-an ninh của TPHCM được bảo đảm. TPHCM đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc, bước đầu mang lại kết quả nhất định.

Theo đó, Thành phố đã lập danh mục 50 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đang tập trung kiểm điểm, rà soát tiến độ theo từng tuần, từng tháng; cơ bản hoàn tất hồ sơ quy hoạch Thành phố, đang trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các nội dung về cơ chế chính sách theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng đang được triển khai và có kết quả bước đầu tích cực.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trong 6 tháng đầu năm, TPHCM đối mặt với những hạn chế, như: Tăng trưởng quý II thấp hơn cả nước; thu hút đầu tư FDI giảm 19,5%; giải ngân đầu tư công chỉ đạt 14,3%; tổng vốn doanh nghiệp đăng ký giảm 28,3% (số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng nhưng số vốn thì giảm).

Xác định các giải pháp đột phá

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, trong quý III và 6 tháng cuối năm, TPHCM sẽ tập trung cao độ cho các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt từ động lực đầu tư và tiêu dùng.

TPHCM đang cập nhật kịch bản tăng trưởng cuối năm và xác định các giải pháp đột phá, phấn đấu đạt tăng trưởng 7-7,5%.

Đồng thời, sẽ tập trung các giải pháp đột phá gắn liền với cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc khó khăn để tăng hấp thụ vốn, phấn đấu huy động tổng vốn toàn xã hội 394 nghìn tỷ. Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy kinh tế số, phát triển nhà ở xã hội, các công trình - dự án trọng điểm của quốc gia và của TPHCM.

Trong 6 tháng cuối năm, TPHCM cũng khẩn trương chuẩn bị phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Bộ Chính trị, đến cuối năm trình Quốc hội có nghị quyết về đường sắt đô thị cùng với Hà Nội, nghị quyết về đường Vành đai 4 và nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế.

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện, ban hành các nghị định và giúp các địa phương tháo gỡ các vướng mắc cụ thể. 

Bên cạnh đó, TPHCM mong muốn Thủ tướng sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc TPHCM-Mộc Bài; Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sớm có ý kiến để hoàn thiện pháp lý cho gói vay số 4 Dự án metro 1.

Cùng đề xuất với Hà Nội về chủ trương tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, TPHCM đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo kế hoạch triển khai về kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Phương Liên