Trẻ bỏ nhà đi: Cả nhà cần học kỹ năng ứng xử

Hoàng Huyền
Không khó để bắt gặp trên các phương tiện truyền thông nhiều trường hợp trẻ bỏ nhà đi, với nhiều lý do như: Mâu thuẫn với bố mẹ, bị bạn bè, các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo hay là để trốn tránh một sự kỳ thị nào đó… Tuy nhiên, dù là lý do nào, thì việc trẻ tự ý bỏ nhà đi cũng mang lại hậu quả không hề nhỏ đối với các gia đình. Đây cũng là một bài học trong việc xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái…

Ngàn lẻ một lý do bỏ nhà đi…

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao vụ việc thiếu nữ L.H.N (sinh năm 1999, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã mất tích từ ngày 14/7/2022 và cho tới nay gia đình vẫn chưa tìm được em, dù đã nhờ tới sự chung tay của cộng đồng mạng. Hiện tại, gia đình mới chỉ tìm thấy một vài vật dụng H.N mang theo người như dép, điện thoại, xe máy… Trước khi đi, H.N nói với người thân là “đi giải quyết công việc và sẽ quay về”, tuy nhiên chỉ sau đó vài tiếng, gia đình không thể liên lạc được với em.

Mới đây, một nữ sinh thi trượt lớp 10 bỏ nhà ra đi cũng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, em T.T.N.M (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã sốc do kết quả thi không tốt nên đã viết thư để lại, chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà từ 17h ngày 9/7/2022. Em không mang theo tiền, giấy tờ tùy thân, điện thoại liên lạc, và đã xóa toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo nên gia đình không có cách nào liên hệ. Mẹ em đã phải lên mạng “cầu cứu” mọi người tìm em và nhắn nhủ con: “Xin con quay về, bố mẹ sẽ giúp con vượt qua mọi khó khăn”.

Trước đó, vào khoảng cuối tháng 5/2022, chị Phạm Thị H (36 tuổi, ở quận Bình Tân, TP HCM) và chồng gác hết mọi công việc, đi khắp nơi để tìm con. Sáng hôm trước, trong lúc vợ chồng chị đang đi làm thì con gái ở nhà thu dọn hành lý bỏ vào ba lô, bắt xe rời khỏi nhà và để lại một bức thư: “Mẹ ơi con đi làm xa, đừng gọi điện con không nghe máy đâu. Hết hè con về”. Cũng bỏ nhà đi và để lại bức thư tay viết nguệch ngoạc: “Đừng tìm con nhé. 18 tuổi con về”, bé trai N.H.N, học lớp 6, trường THCS Phong Bình (huyện Gio Linh, Quảng Trị) khiến gia đình tá hỏa, thức trắng đêm đi tìm. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, một người dân sống ở khu vực cách nhà N khoảng 15-20km đã nhận dạng được em. Sau một ngày đi lang thang, N đã đói lả, gương mặt lấm lem, được người ở quán nước cho vào ăn cơm, nghỉ nhờ. “Trước đó con rất ngoan. Học cũng không phải ở mức khá giỏi nhưng cũng không để bố mẹ lo. 2 ngày trước các cháu đi học trở lại, cô giáo có nói chuyện với các phụ huynh về tình hình học tập. Tôi đoán chắc con sợ bị bố mẹ mắng nên mới hành động như vậy”, chị Thủy bày tỏ.

Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ việc trẻ vị thành niên bỏ nhà đi hoặc mất tích được ghi nhận thời gian qua. Điều đáng báo động là thực tế này diễn ra ngày càng nhiều, cho thấy giáo dục trong gia đình có những điều nên soi xét lại.

tre-bo-nha-di-ca-nha-can-hoc-ky-nang-ung-xu-dulichgiaitri-gioi-tre-1661072583.jpg
Gia đình nữ sinh lớp 10 đăng bài tìm kiếm trên mạng xã hội sau khi em bỏ nhà đi (Ảnh chụp màn hình)

Yêu thương con đúng cách

TS Lê Nguyên Phương, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam, cho rằng hành động bỏ nhà ra đi thường xảy ra ở trẻ tuổi vị thành niên, vì ở lứa tuổi này nhận thức của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể nghĩ đến hậu quả. Đặc biệt, trong rất nhiều trường hợp bỏ nhà ra đi, cũng có không ít trường hợp mất tích mãi mãi hoặc rất nhiều năm sau mới trở về được với gia đình. Hiện tượng này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, bị bắt cóc, bị lừa, bị giết… Nguy cơ các em sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… gây xáo trộn cho gia đình và hoang mang, bất ổn cho xã hội.

Mặt khác, còn nhiều cha mẹ vẫn nghĩ chỉ cần cho con cuộc sống vật chất đầy đủ là được. Trong khi đó, nhu cầu được chia sẻ, được quan tâm của trẻ ngày càng nhiều; các con cần được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu, trở thành những người bạn của nhau chứ không phải lấy suy nghĩ của người lớn áp đặt lên con trẻ, buộc con phải nghe theo.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, các con trong tuổi dậy thì luôn được gắn với thời kỳ nổi loạn trong tính cách, hành vi. Tuy nhiên, đôi khi các con là nạn nhân trong chính các sự nổi loạn này bởi con không biết bản thân đang bị khủng hoảng tâm lý hay áp lực mà chỉ thấy khó chịu, dễ tức giận, dễ làm ngược với mọi vấn đề xung quanh nếu là bắt ép, ra lệnh... Con không biết diễn đạt hay hiểu chính bản thân nên cũng không biết chia sẻ hay nói như thế nào để cha mẹ và người khác hiểu. Từ đó con bế tắc và rơi vào trạng thái buông xuôi, làm ngược, dựa dẫm, bất cần, chống đối... để mong tự giải thoát.

Khi con lớn quá nhanh và cảm thấy môi trường xung quanh thay đổi quá nhanh cộng với sự kỳ vọng hoặc thất vọng của cha mẹ nhiều hơn khiến cho tư duy nhận thức để giải quyết vấn đề cho chính mình càng non nớt hơn thì con sẽ nghĩ /hành động nông nổi hơn.... Do đó, cha mẹ cũng phải học làm cha mẹ, có kỹ năng ứng xử, nhẫn nại và biết kìm nén cảm xúc khi xung đột với con cái. Song song đó, có thể cho con theo học các lớp kỹ năng sống để khi trẻ gặp vấn đề tương tự có thể ứng xử phù hợp.

MAI CHI