Trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới

Admin
Bộ VH-TT&DL yêu cầu Tp.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Địa đạo Củ Chi để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, đồng thời rà soát, bổ sung dữ liệu khoa học nhằm nâng cao giá trị di tích này trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Đạo Cương vừa ký Công văn số 1859 gửi UBND Tp.HCM, yêu cầu hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi để trình UNESCO đưa vào Danh mục dự kiến lập hồ sơ Di sản Thế giới. 

Công văn này được gửi sau khi UBND Tp.HCM có Công văn số 31 ngày 03/01/2025 về việc hoàn chỉnh Báo cáo tóm tắt và đề nghị Bộ VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan liên quan để góp ý và hoàn thiện.

Về cơ bản, các cơ quan liên quan đều đồng thuận với nội dung Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi, và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đánh giá các chỉnh sửa, giải trình của đơn vị xây dựng báo cáo là hợp lý và phù hợp với thực tiễn. 

Hội đồng Di sản cũng nhất trí với các tiêu chí lựa chọn và cho rằng hồ sơ đã khai thác và làm rõ hơn giá trị di tích Địa đạo Củ Chi, đặc biệt là những giá trị trước đây chưa được đánh giá đúng mức trong các tài liệu trong và ngoài nước.

Trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới- Ảnh 1.

Địa đạo Củ Chi, cách trung tâm Tp.HCM khoảng 70km về phía Tây Bắc, là một di tích lịch sử nổi bật, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục cho hồ sơ trình UNESCO, Hội đồng đề nghị Báo cáo cần nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng yếu: Địa đạo Củ Chi là công trình phòng thủ dưới lòng đất có quy mô rộng lớn, được kiến tạo hoàn toàn bằng sức người với những công cụ thô sơ. 

Báo cáo cần phân tích rõ hệ tri thức về tự nhiên, địa lý, địa chất của cư dân địa phương; phương thức tổ chức xây dựng công trình; tư duy chiến lược trong thiết kế hệ thống phòng thủ; chức năng từng phân tầng và toàn bộ hệ thống địa đạo. 

Đồng thời, cần làm nổi bật khả năng thích ứng trong điều kiện sống khắc nghiệt, sức chịu đựng bền bỉ và tinh thần sáng tạo của người dân Củ Chi biểu tượng cho ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND Tp.HCM tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện Báo cáo tóm tắt theo các góp ý của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. 

Đồng thời, cần triển khai các biện pháp bảo vệ, gìn giữ các giá trị hiện hữu; khẩn trương tiến hành nghiên cứu, thu thập thêm tư liệu, hiện vật phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ đề cử và xây dựng Kế hoạch quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Ngoài địa đạo Củ Chi, Tây Ninh sẽ là địa chỉ đỏ cần tìm về cho dịp 30/4Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dự lễ nhận Bằng Di tích Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi, cách trung tâm Tp.HCM khoảng 70km về phía Tây Bắc, là một di tích lịch sử nổi bật, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Được khởi công xây dựng từ năm 1946, ban đầu chỉ là những hầm trú ẩn riêng lẻ, nhưng trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, người dân đã nối kết các hầm lại với nhau, hình thành một hệ thống địa đạo ngầm vô cùng kiên cố.

Từ năm 1961 đến 1965, khi chiến tranh leo thang, Địa đạo Củ Chi được mở rộng và phát triển mạnh mẽ, trở thành một mạng lưới địa đạo rộng lớn, kéo dài khoảng 250 km dưới lòng đất, nối liền 6 xã của huyện Củ Chi. 

Trong suốt ba thập kỷ (1945-1975), hệ thống địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn an toàn cho dân quân, mà còn là một tổ hợp phức hợp gồm hầm giao thông, chiến đấu, khu sinh hoạt, bếp ăn, phòng hội họp, và kho chứa lương thực, vũ khí. 

Địa đạo Củ Chi đã góp phần quan trọng giúp quân dân Củ Chi kiên cường bám trụ, vừa chiến đấu vừa sản xuất, tạo thành một "làng ngầm" dưới lòng đất.

Sau năm 1975, những khu vực quan trọng của Địa đạo Củ Chi đã được bảo tồn và phát huy giá trị, trở thành điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước, đồng thời là địa chỉ giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. 

Vào tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Địa đạo Củ Chi là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2020, Tp.HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao thành phố xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.