Trực tiếp Giao lưu trực tuyến “Huyền thoại Trường Sơn” và cuộc gặp gỡ của những “bông hồng thép”

Admin
(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), 8 giờ 30 phút ngày 24/4, Hội LHPN thành phố Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử gồm: Đại đội nữ lái xe Trường Sơn và vợ thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Tin liên quan

Quốc hội và Chính phủ đồng hành để hoàn thành trọng trách lịch sử

Chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững

Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 6 đến 8/5

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam; tôn vinh, tri ân những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chương trình được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, trực tiếp tại Hội trường trụ sở Hội LHPN Hà Nội (số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy) và trực tuyến trên báo Phụ nữ Thủ đô điện tử  tại địa chỉ: Http://baophunuthudo.vn và fanpage Hội LHPN thành phố Hà Nội.

Trực tiếp Giao lưu trực tuyến “Huyền thoại Trường Sơn” và cuộc gặp gỡ của những “bông hồng thép” - ảnh 1

Tham dự trực tiếp chương trình có gần 100 đại biểu là lãnh đạo Trung ương và Thành phố: Hội LHPN Việt Nam; Ban Phụ nữ Quân đội, Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam; Lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội; Cục chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô; Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội; Đại đội nữ lái xe Trường Sơn; đại diện vợ thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Lãnh đạo Hội LHPN các quận, huyện và đơn vị trực thuộc trên địa bàn Thành phố.

Cách đây tròn 50 năm, ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 không chỉ là thành quả của ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; là sự hi sinh to lớn của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc từ Bắc chí Nam, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, anh dũng, ngoan cường, quả cảm trong chiến đấu.

Trực tiếp Giao lưu trực tuyến “Huyền thoại Trường Sơn” và cuộc gặp gỡ của những “bông hồng thép” - ảnh 2

Trung đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại. Ảnh tư liệu

Với ý nghĩa đó, Chương trình đã trân trọng mời 7 nhân chứng lịch sử tiêu biểu, là nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong, vợ thương binh, liệt sĩ - những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và đã bỏ một phần xương máu nơi chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại 30/4/1975.

Đó là Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường sơn; bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là Hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại. Đây là 2 trong số 45 nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được thành lập ngày 18/12/1968 với nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị, hậu cần - kỹ thuật ra chiến trường và chuyển thương binh nặng về tuyến sau qua những trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mỹ.

Là bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, người đã để lại con thơ để dấn thân vào tuyến lửa. Bà đại diện cho  những tấm gương sáng ngời của lớp lớp thanh niên Việt Nam, những người không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc.

Là tấm gương của các bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng 1/4 Lê Đức Thuận, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân; là bà  Phan Thị Kim Song, vợ thương binh nặng Cao Văn Thành... đại diện cho những phụ nữ Hà Nội giản dị, nhưng giàu đức hi sinh, nghị lực, tình nguyện kết duyên với thương binh trở về từ cuộc chiến để được chăm sóc, đem lại hạnh phúc, bù đắp những tổn thương mà chiến tranh gây ra cho những người lính. Chương trình cũng có sự hiện diện của thương binh nặng Cao Văn Thành để nghe ông chia sẻ về những dấu ấn không phai mờ trong chiến tranh và tình cảm trân trọng ông dành cho người bạn đời tần tảo của mình.

Đó cũng là nhân chứng lịch sử như Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng, nguyên là phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ thời kháng chiến chống Mỹ, nguyên Trưởng ban Công tác phụ nữ quân đội đầu tiên. Bà đã dùng ngòi bút của mình để viết về chiến tranh với những đau thương, mất mát nhưng vượt lên tất cả chính là lối sống cao đẹp, dám hy sinh cho lý tưởng cách mạng của những thanh niên cùng thế hệ.

Trong không khí xúc động, hào hùng, vẹn nghĩa tri ân, chương trình đã đưa người nghe đến với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời càng thêm trân trọng những mất mát, hy sinh, khắc ghi những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh, trong đó có những người tượng đài phụ nữ Việt Nam bình dị mà phi thường, can trường, quả cảm trong chiến đấu và dựng xây đất nước trong thời bình, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tại chương trình, để tri ân đóng góp của những con người đã góp phần làm nên lịch sử, Hội LHPN Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô đã trân trọng gửi tặng các đại biểu những phần quà ý nghĩa, tri ân sâu sắc.

Chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” đem đến những cảm xúc chân thành, sâu lắng, sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay với những hy sinh của thế hệ cha anh đã làm nên huyền thoại, rạng danh non sông đất nước.