Điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có quy định về thanh toán trong kinh doanh bất động sản như sau:
- Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản, dự án bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và tuân thủ quy định của pháp luật.
- Chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Việc phạt và bồi thường thiệt hại do bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bên thuê, bên thuê mua chậm tiến độ thanh toán hoặc bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê, bên cho thuê mua chậm tiến độ bàn giao bất động sản do các bên thỏa thuận và phải được ghi trong hợp đồng.
Trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định thanh toán trong giao dịch bất động sản như sau:
Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán.
Việc phạt và bồi thường thiệt hại do bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bên thuê, bên thuê mua chậm tiến độ thanh toán hoặc bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê, bên cho thuê mua chậm tiến độ bàn giao bất động sản do các bên thỏa thuận và phải được ghi rõ trong hợp đồng.
Có thể thấy, theo quy định mới, kể từ 1/8/2024 (ngày Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực thi hành), các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh/kinh doanh dịch vụ bất động sản khi nhận tiền thanh toán từ khách hàng thì phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.
Trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, tổ chức, cá nhân bán nhà ở không nhằm mục đích kinh doanh... thì không cần thiết bắt buộc thanh toán qua ngân hàng.
Điều 47 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định giao dịch trong kinh doanh bất động sản như sau:
Giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản, dự án bất động sản được đưa vào kinh doanh do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản ghi đúng giá giao dịch thực tế trong hợp đồng; chịu trách nhiệm trong việc ghi giá giao dịch trong hợp đồng không đúng với giá giao dịch thực tế.
Thực tế, trong giao dịch mua - bán nhà đất, nhiều trường hợp giá giao dịch thực tế và giá ghi trong hợp đồng là hai giá khác nhau. Giá trong hợp đồng thường thấp hơn giá thực hiện, thường ghi theo giá mua - bán theo cách tính của Nhà nước để giảm bớt số thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ mà các bên phải nộp.
Minh Hoa (t/h)