Quy định về mức xử phạt mới đối với các trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ) theo Nghị định 168/2024 đang thu hút sự quan tâm của người dân. Tại các thành phố lớn, đại đa số người tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành các quy định mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết về một số trường hợp không bị xử phạt khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, trong đó có xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ thuộc nhóm không bị xử phạt.
Nguyên nhân là Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.
Theo quy định hiện hành, xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ gồm: Xe chữa cháy của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
Đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.
Ngoại trừ đoàn xe tang, các xe ưu tiên còn lại đều không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được.
Riêng đối với đường cao tốc, các xe này chỉ được đi ngược chiều trên làn dừng xe khẩn cấp; phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu tạm thời.
Như vậy, các xe ưu tiên (ngoại trừ đoàn xe tang) cũng không vi phạm nếu đi không đúng theo tín hiệu đèn giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn về việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương, xe chữa cháy… thì có bị xử phạt hay không?
Đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an) khẳng định là không. Bởi lẽ, hành vi vượt đèn đỏ trong tình huống trên được xác định là vi phạm trong tình thế cấp thiết. Tức là cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Ngoài tình huống trên, luật Xử lý vi phạm hành chính còn quy định các trường hợp khác không bị xử phạt vi phạm hành chính như: sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng…
Trường hợp đèn tín hiệu chuyển màu đỏ nhưng cán bộ CSGT phân luồng giao thông ra hiệu lệnh tiếp tục di chuyển, thì người tham gia giao thông có thể vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội, dẫn quy định tại Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
- Tín hiệu đèn giao thông;
- Biển báo hiệu đường bộ;
- Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;…
Như vậy, hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông sẽ có giá trị pháp lý cao hơn tín hiệu đèn giao thông.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thị Thúy thông tin thêm, khi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép người tham gia giao thông được phép rẽ hoặc đi thẳng dù có đèn đỏ.
Trường hợp có đèn tín hiệu màu xanh được lắp đặt kèm theo báo hiệu được ưu tiên rẽ, đây thường là một đèn phụ, hình mũi tên màu xanh được lắp phía dưới cột đèn giao thông.
Trường hợp có biển báo giao thông, thường là biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông cho phép các xe được rẽ khi đèn đỏ.
Dù được tiếp tục di chuyển, nhưng ở cả 2 trường hợp trên, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi và người đi bộ qua đường.
Minh Hoa (t/h)