
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: VGP/HT
Lợi thế chính sách, hạ tầng và quyết tâm từ Trung ương
Phát biểu tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp và nhà đầu tư năm 2025, do tỉnh Khánh Hòa tổ chức chiều ngày 25/7, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của tỉnh – bên cạnh vị trí chiến lược, tài nguyên phong phú và hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ – chính là hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù với nhiều ưu thế. Đây là lợi thế so sánh mà tỉnh đang từng bước hiện thực hóa, để Khánh Hòa trở thành địa phương có môi trường đầu tư thực chất, thuận lợi và ưu đãi hiệu quả hơn.
Tinh thần đổi mới được cụ thể hóa qua định hướng phát triển kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Hội nghị Trung ương 12 đã nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là chủ trương, mà phải trở thành hành động nhất quán ở tất cả các cấp chính quyền. Tư nhân mạnh thì quốc gia mạnh, tư nhân đổi mới thì đất nước đổi mới."
Trên tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết đã chủ động rà soát, tích hợp Nghị quyết 68 vào quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, cải cách thủ tục và đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng, dịch vụ, khoa học – công nghệ và chuyển đổi xanh.
Trọng tâm là xây dựng một môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, minh bạch, với cơ chế đồng hành xuyên suốt vòng đời dự án. Mục tiêu là tạo điều kiện để khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững, vươn tầm khu vực. Tỉnh kỳ vọng ngay sau hội nghị sẽ có những hợp tác cụ thể, chuyển các chủ trương lớn thành hành động đo đếm được qua nhà máy, dự án, dịch vụ, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Chủ tịch Trần Quốc Nam cũng dẫn lại lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng từng nói "Muốn đi nhanh thì không thể vừa đi vừa quay lại. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải có cách tiếp cận mới – táo bạo hơn, khác biệt hơn và hiệu quả hơn", đồng thời, khẳng định coi đây là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển sắp tới của tỉnh.
Doanh nghiệp và ngân hàng đồng hành cùng địa phương
Ông Kim Song Hag, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS), chia sẻ về trải nghiệm gần 30 năm hoạt động tại Khánh Hòa. Doanh nghiệp đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, HVS đứng vững và phát triển. Đặc biệt, khi xin điều chỉnh dự án để kéo dài thời gian hoạt động thêm 20 năm, lãnh đạo tỉnh đã chủ động kết nối với cơ quan nhà nước, giúp tháo gỡ thủ tục, thể hiện sự đồng hành hiếm có. Việc mở rộng diện tích đất lấn biển cho dự án cũng được lãnh đạo đưa vào nhiệm vụ trọng tâm, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn.

Ông Lê Quang Vinh, Tổng Giám đốc Vietcombank - Ảnh: VGP/HT
Dưới góc độ ngân hàng, ông Lê Quang Vinh, Tổng Giám đốc Vietcombank, khẳng định Khánh Hòa đang sở hữu nhiều cơ hội và chính sách đột phá để thúc đẩy kinh tế. Vietcombank cam kết đồng hành với tỉnh và doanh nghiệp, triển khai tín dụng hiệu quả, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, hạ tầng, công nghiệp và các ngành ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tính đến 30/6/2025, tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 1.601.922 tỷ đồng, tăng 159.489 tỷ đồng (11,1%) so với năm 2024, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Ông Lê Quang Vinh cho biết: Vietcombank hiện cam kết 8.000 tỷ đồng tín dụng cho các dự án năng lượng sạch như Điện lực Vân Phong 1, Điện Sông Giang, BP Solar 1, Thiên Tân Solar, đồng thời hỗ trợ các dự án hạ tầng, khu đô thị, du lịch và logistics với tổng cam kết 32.000 tỷ đồng tín dụg cho các tập đoàn lớn như SunGroup, Hyundai Đông Tàu...
Bên cạnh doanh nghiệp lớn, Tổng Giám đốc Vietcombank nhấn mạnh: Ngân hàng cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, hộ kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế bền vững. Với hệ sinh thái tài chính đa dạng, ngân hàng cung cấp các giải pháp toàn diện – từ tín dụng, bảo lãnh, phát hành trái phiếu, tư vấn IPO đến M&A – nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư tại Khánh Hòa.
Theo lãnh đạo Vietcombank, trong thời gian tới, Vietcombank sẽ tham gia triển khai các gói tín dụng ưu đãi: 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số; 15.000 tỷ đồng cho nông sản, lâm sản, thủy sản; 10.000 tỷ đồng cho người trẻ mua nhà và các chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33. Đồng thời, ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai giải ngân trực tuyến và các dịch vụ số, nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Vietcombank và UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác, trong đó Vietcombank cam kết cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, quy mô 50.000 tỷ đồng, trên cơ sở đánh giá hiệu quả từng dự án và tuân thủ các quy định pháp luật cũng như chính sách nội bộ.
Bên cạnh đó, Vietcombank phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu và hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, cảng biển, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và bất động sản. Ngân hàng cũng triển khai chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước nhằm tạo thuận lợi cho xúc tiến đầu tư trên địa bàn...

Vietcombank và UBND tỉnh Khánh Hòa ký thỏa thuận hợp tác - Ảnh: VGP/HT
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành: Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng liên tục hai con số trong thập kỷ tới, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Tỉnh hội tụ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", với lợi thế biển làm nền tảng, kinh tế biển – gồm du lịch, dịch vụ, logistics và năng lượng tái tạo – là trụ cột chính.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - Ảnh: VGP/HT
Đến năm 2030, Khánh Hòa được quy hoạch phát triển mạnh về sản xuất điện năng, chủ yếu từ năng lượng tái tạo, gồm điện mặt trời, điện gió, điện khí...Ngoài ra, tỉnh chuẩn bị hạ tầng giao thông chiến lược: các tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang, Nha Trang – Buôn Ma Thuột (khánh thành đầu 2026) và Nha Trang – Đà Lạt, giúp rút ngắn kết nối Đà Lạt, Tây Nguyên, chỉ còn 1 – 2 giờ di chuyển. Cùng với hệ thống cảng biển, đường sắt tốc độ cao, và 3 sân bay (dự kiến đến 2030), Khánh Hòa trở thành cực kết nối quan trọng của miền Trung và cả nước.
Người đứng đầu tỉnh Khánh Hòa chia sẻ thêm: Trong công nghiệp, quy hoạch 60.000 ha đất phát triển công nghiệp (so với 1.000 ha hiện nay) mở dư địa lớn cho nhà đầu tư. Nông nghiệp công nghệ cao cũng là mũi nhọn, nhờ biển sâu, nước sạch, ít bão, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản hiện đại.
Khánh Hòa là tỉnh duy nhất hưởng song song hai nghị quyết đặc thù của Quốc hội. Tỉnh xác định nhân tố quyết định là thu hút nhà đầu tư chiến lược có tâm, tầm và nguồn lực, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh.
"Khánh Hòa cam kết cắt giảm tối thiểu 50% thời gian thủ tục hành chính, chuyển tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, và triển khai KPI đánh giá sở, ngành, địa phương theo mức độ hài lòng của doanh nghiệp. Tỉnh duy trì sáng kiến "Cà phê doanh nhân" sáng thứ 7 hàng tuần với Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành để tháo gỡ vướng mắc, khẳng định cam kết nghĩ lớn, nói thật, làm thật và hiệu quả thật", Bí thư Nghiêm Xuân Thành khẳng định.
Anh Minh