Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh

Admin
Hoạt động từ thiện nếu làm đúng cách sẽ càng nhân rộng ý nghĩa, ngược lại nếu thiếu kinh nghiệm sẽ vô tình làm mất đi giá trị thiện nguyện.

Ngay sau cơn bão số 3, hàng trăm các tổ chức, cá nhân, nhóm từ thiện bằng nhiều hình thức khác nhau đã nhanh chóng đến các vùng bị ảnh hưởng để hỗ trợ, tiếp tế người dân.

Tưởng chừng, từ thiện là một hoạt động đơn giản, mọi tổ chức cá nhân đều có thể làm được. Nhưng sẽ là lãng phí, không phù hợp nếu chúng ta hoạt động tự phát và không có sự phối hợp với chính quyền.

Mặc dù đã có những hướng dẫn, quy định cụ thể, nhưng khi có thiên tai xảy đến, đa phần người dân mới bắt đầu tự thành lập các nhóm từ thiện nhỏ lẻ, sau đó chuẩn bị nhu yếu phẩm, điều này vô tình xảy ra hiện tượng hỗ trợ chưa đúng nơi, đúng lúc.

Không hiếm gặp những trường hợp người dân gói bánh chưng, nấu cơm nhưng do phải vận chuyển xa, thời gian dài ngày khiến các vật phẩm nặng lại bị hỏng, không thể sử dụng khi đến được tay người nhận.

Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 1.

Nhiều đoàn từ thiện hút chân không thực phẩm nhưng điều này lại vô tình gây phát triển vi khuẩn, bánh mì đến được vùng cứu trợ đã bị khô cứng không thể sử dụng.

Làm hậu phương vững chắc là đủ

Hướng tới các tỉnh ở khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, anh Trần Nam Long – Chủ nhiệm "Team thiện nguyện Hà Nội" bày tỏ trong bão lũ, thiên tai sự cứu trợ, giúp đỡ của đồng bào là quan trọng hơn bao giờ hết.

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Trần Nam Long cho hay: "Câu chuyện thiện nguyện vùng bão đã được nhắc đến từ nhiều năm. Dù làm bằng hình thức, mục đích nào thì đều trân quý, vì hành động này thể hiện rõ nét nhất tinh thần yêu nước, yêu đồng bào. Đó là hình ảnh đẹp của dân tộc".

Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 2.
Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 3.
Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 4.

Thành viên trong "Team thiện nguyện Hà Nội" mang nhu yếu phẩm đến các điểm hỗ trợ bà con (Ảnh: Team thiện nguyện Hà Nội).

Nhưng, cũng lại là nỗi đau của những người thiện nguyện lâu năm và chính quyền địa phương. Theo anh Long, việc hỗ trợ hiện nay đang bị mạng xã hội dẫn dắt thông tin, mỗi người dân phải có sự tỉnh táo, sáng suốt để trao gửi yêu thương, tấm lòng của mình. Không nên vội vã huy động nhân lực rồi tự phát đến các nơi bão lũ, thay vào đó cần bình tĩnh, liên hệ với những người có chuyên môn để lòng tốt được gửi đi đúng nơ.

"Khi các cơ quan chức năng ở các tỉnh/thành chưa phát đi thông báo, cảnh báo và kêu gọi hỗ trợ. Nhưng, gần như các nhóm từ thiện tự phát lại bị ảnh hưởng bởi sự kêu gọi khác nhau trên mạng.

Vì vậy, mặc dù họ có tấm lòng tốt nhưng vì thiếu sự hiểu biết, kinh nghiệm, thậm chí một số nhỏ vì sự hiếu kỳ, muốn lưu giữ hình ảnh mà đã vô tình gây cản trở, rối ren cho những tổ chức đang tập trung khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn", anh Trần Nam Long bày tỏ.

Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 5.

Anh Trần Nam Long (thứ 2 từ bên trái sang) và thành viện nhóm thiện nguyện trong chuyến đi hỗ trợ tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vừa qua (Ảnh: Team thiện nguyện Hà Nội).

Hình ảnh vật phẩm cứu trợ, áo phao ngổn ngang trên mặt nước do thừa quá nhiều lại không hiếm gặp. "Nếu không có sự kết nối với chính quyền địa phương thì việc chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu sẽ dễ dàng xảy ra.

Cần phải hiểu, các đội thiện nguyện dù tự phát hay chuyên nghiệp cũng chỉ nên là hậu phương hỗ trợ, làm việc theo sự phân công của địa phương, chứ không phải là nhóm đi ra mặt trận. Ngay cả với chúng tôi, dù hoạt động nhiều năm nhưng trước khi đến khu vực nào đều phải liên hệ với Mặt trận tổ quốc, UBND xã/huyện để xin thông tin và kết nối hỗ trợ", vị chủ nhiệm chia sẻ.

Ở đây, việc cần thiết lúc này, là hỗ trợ người dân giống cây trồng, "cái cuốc, cái xẻng", thuốc men, quần áo,… để đồng bào tái thiết lại cuộc sống.

Từ thiện đến sau không phải là muộn

Với 10 năm kinh nghiệm đi thiện nguyện, anh Trần Minh Quân – Trưởng nhóm "Hội từ thiện đêm" lại không chọn đi ủng hộ bà con chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, trong thời điểm tình hình diễn biến bão lũ vẫn còn nhiều phức tạp.

"Qua quan sát nhiều năm, tôi thấy khi bão lũ đến, nhiều nơi bị ngập nặng, rất nhiều đội nhóm tự phát thực hiện các công việc cứu trợ người dân. Nếu bản thân mình đến nữa sẽ gây ra tình trạng thừa, giúp đỡ không thiết thực, nên chúng tôi chọn hỗ trợ ở thời điểm sau", anh Quân cho biết.

Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 6.

Anh Trần Minh Quân – Trưởng nhóm "Hội từ thiện đêm" trong chuyến hỗ trợ học sinh Trường Tiểu học Huy Giáp, Bảo Lạc, Cao Bằng (Ảnh: NVCC).

Trưởng nhóm "Hội từ thiện đêm" cũng nhận thấy, báo lũ sẽ ảnh hưởng trong khoảng thời gian ngắn nhất định, nhưng sau khi vận động, chuẩn bị nhu yếu phẩm phải mất 2-3 ngày mới lên đến địa điểm cứu trợ. Khi đó, tình hình thực tế đã thay đổi, nhu cầu người dân đã khác, những đồ mang lên lại không phục vụ được bà con, gây ra lãng phí.

"Chủ yếu ở giai đoạn đầu, nhóm chỉ đóng góp nhân lực, phối hợp tu sửa đường, chặt, dọn dẹp cây gãy đổ. Nhưng sau bão, lại là lúc cần hoạt động mạnh mẽ nhất. Các hoạt động hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, khắc phục đường xá, giúp đỡ những gia đình mất thân nhân, vấn đề y tế,... là những nội dung được chúng tôi ưu tiên, thay vì chỉ hỗ trợ tạm thời", anh Trần Minh Quân bày tỏ.

Phía sau 12.000 trang sao kê "lòng tốt"

Cùng với đó, hội nhóm này cũng tập trung đến những địa điểm ô tô không tiếp cận được, chỉ có thể đi xe máy, đi bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc. Bởi đây sẽ nơi hay bị cô lập, chịu nhiều ảnh hưởng hơn là điểm gần đường quốc lộ.

Chia sẻ kinh nghiệm để làm sao để hỗ trợ được phát huy hiệu quả, anh Quân cho biết: "Nếu chúng ta làm tự phát sẽ không biết được người dân thực sự cần gì. Mình nghĩ dân cần mỳ, gạo nhưng vào thời điểm không có điện, nước thì cũng không thể ăn. Chính vì vậy, cần tìm hiểu trước khi làm, liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn cụ thể nhất".

Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 7.
Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 8.
Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnh- Ảnh 9.

Các chuyến thiện nguyện của nhóm "Hội từ thiện đêm" (Ảnh: Hội từ thiện đêm).

Theo TS. Trịnh Lê Anh - Đại học Quốc gia Hà Nội cần xét từ kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh Việt Nam để có một chuyến đi từ thiện hiệu quả.

"Cần phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để hiểu rõ nhu cầu cụ thể theo từng khu vực và từng gia đình. Tránh cung cấp những vật phẩm không cần thiết hoặc không phù hợp với hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, đảm bảo sự công bằng trong việc phân phối cứu trợ, tránh tình trạng một số khu vực nhận quá nhiều trong khi các khu vực khác bị bỏ sót", TS. Trịnh Lê Anh cho hay.

Điều quan trọng các tổ chức thiện nguyện phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức phi Chính phủ,…để đảm bảo sự an toàn và tránh trùng lặp trong các hoạt động cứu trợ.

Xây dựng kế hoạch lâu dài, hỗ trợ không chỉ dừng lại ở giai đoạn khẩn cấp mà cần có các chiến lược dài hạn nhằm giúp người dân tái thiết cuộc sống, phục hồi sinh kế.