
Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng số vốn đã được phân bổ là 869.751,5 tỷ đồng, đạt 96,63% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vẫn còn 19 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương chưa phân bổ hết vốn, tổng số còn lại là 27.861,8 tỷ đồng
Nhiều đơn vị vẫn vẫn chậm chân
Theo Bộ Tài chính: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 825.922,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn các năm trước được kéo dài và kế hoạch vốn các địa phương tự cân đối, bổ sung thêm tổng cộng hơn 97.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư công tính đến nay đã lên tới 923.030,5 tỷ đồng, một con số lớn chưa từng có.
Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng số vốn đã được phân bổ là 869.751,5 tỷ đồng, đạt 96,63% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vẫn còn 19 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương chưa phân bổ hết vốn, tổng số còn lại là 27.861,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, vốn ngân sách Trung ương (NSTW) chưa phân bổ chi tiết chiếm tới 9.965,9 tỷ đồng. Đây là một con số đáng lưu ý bởi sau thời hạn 15/3/2025 – mốc Chính phủ yêu cầu hoàn tất phân bổ vốn. Việc chậm trễ không những ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án, mà còn kéo theo nguy cơ bị thu hồi vốn.
Lũy kế đến ngày 30/4/2025, tổng số vốn giải ngân đạt khoảng 130.961,9 tỷ đồng, tương đương 14,19% tổng kế hoạch-thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%). Đáng nói, phần vốn của địa phương (NSĐP) đạt 17,2%, cao hơn trung bình, trong khi vốn Trung ương tiếp tục "kéo chân" tiến độ chung.
Trong số 110 đơn vị được giao vốn, chỉ có 10 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức trung bình, điển hình là: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%)… và các địa phương như Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa đều đạt trên 30%. Tuy nhiên, ngược lại, có đến 9 bộ và 12 địa phương chưa giải ngân đồng nào hoặc giải ngân rất thấp dưới 10%. Những cái tên như Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch… tiếp tục nằm trong nhóm thấp.
Nhận diện những điểm nghẽn
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chậm phân bổ vốn rất đa dạng. Trước hết là việc nhiều dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, hoặc đang chờ điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn. Một số khác vướng mắc với các dự án ODA chưa ký hiệp định vay, hoặc đang trong quá trình gia hạn. Ngoài ra, nhiều địa phương đề xuất trả vốn do không có nhu cầu sử dụng, hoặc vướng thủ tục giải thể, điều chỉnh bộ máy, khiến việc phân bổ không thể hoàn tất đúng hạn.
Bộ Tài chính cũng tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm không chỉ xuất phát từ năng lực thực hiện, mà còn đến từ những khó khăn khách quan.
Trước hết, về mặt chính sách, Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực nhưng hàng loạt quy định mới chưa có hướng dẫn cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Các thủ tục bồi thường, xác định giá đất, thu hồi đất… đều bị chậm trễ do thay đổi quy trình và phân cấp quản lý.
Tiếp theo, việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 tại một số bộ, ngành vẫn chưa bám sát thực tế. Nhiều nơi xây dựng kế hoạch không phù hợp với năng lực giải ngân, dẫn đến vốn "chờ đợi" không sử dụng...
Ngoài ra, các dự án ODA cũng gặp khó do quy trình điều chỉnh hiệp định vay phức tạp, trải qua nhiều cấp phê duyệt. Một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chậm thanh toán do chưa hoàn tất hồ sơ. Không chỉ vậy, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, cùng với nguồn cung hạn chế, cũng làm đội chi phí và gây đình trệ tiến độ.
Các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang gặp khó khăn lớn về năng lực thực hiện. Hơn nữa, cấp xã, nơi được giao triển khai thường ngại rủi ro, dẫn đến việc giải ngân vẫn "giậm chân tại chỗ".
Trước những tồn đọng kể trên, Bộ Tài chính đã trình lãnh đạo Chính phủ một số kiến nghị và giải pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy phân bổ và giải ngân nhanh số vốn đã giao, nhất là phần vốn NSTW chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3. Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất phương án xử lý số vốn còn lại, đồng thời kiến nghị được chủ trì phối hợp với các cơ quan để tổng hợp đề xuất bổ sung kế hoạch, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh phù hợp.
Đối với các dự án ODA, các cơ quan chủ quản được yêu cầu theo sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thực tế. Ngoài ra, cần chủ động làm việc với các nhà tài trợ để xử lý kịp thời những phát sinh về điều chỉnh hợp đồng, gia hạn hiệp định vay.
Với vốn ngân sách địa phương (NSĐP), các địa phương phải tăng tốc thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu từ sử dụng đất, vốn là nguồn lực chủ yếu để đảm bảo khả năng phân bổ.
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần lập kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý, kèm theo cơ chế giám sát chặt chẽ. Những dự án giải ngân chậm sẽ bị xem xét cắt giảm vốn để chuyển sang các công trình có khả năng triển khai nhanh hơn.
Trước đó, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2025. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, phân bổ và giải ngân vốn; chủ động rà soát, xử lý nhanh các vướng mắc, sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện để đẩy nhanh thi công và thanh toán; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh dàn trải, lãng phí; cụ thể hóa tiến độ bằng báo cáo tháng, quý, làm cơ sở điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn.
Anh Minh