Vì sao công đoàn Thanh Hóa không khởi kiện đòi 130 tỷ tiền "nợ" BHXH cho người lao động?

Admin
Từ 2016 đến nay, công đoàn cơ sở ở tỉnh Thanh Hóa chưa thực hiện quyền đại diện khởi kiện đòi "nợ" BHXH cho người lao động. Về vấn đề này, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa lý giải nguyên nhân.


8 năm chưa khởi kiện được vụ "nợ" BHXH nào

Thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có gần nghìn đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Có nhiều đơn vị chậm đóng nhiều năm, thậm chí gần 10 năm với số tiền hàng chục tỷ đồng. Dù áp dụng rất nhiều biện pháp, nhưng việc thu số tiền chậm đóng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu – sổ, thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 604 doanh nghiệp chậm đóng số tiền 130 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Số đơn vị này đã dừng hoạt động, hoặc chỉ có vài lao động. Số tiền chậm đóng này rất khó thu hồi, một số đơn vị không thể thu hồi được.

Để thu hồi số tiền chậm đóng, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã gọi điện, ban hành văn bản nhắc "nợ". Một số đơn vị bị tiến hành thanh tra việc chậm đóng và xử phạt hành chính.

Ông Đinh Trọng Vân, Phó Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra BHXH tỉnh Thanh Hóa cho hay, từ 2009 – 2015, BHXH tỉnh Thanh Hóa với tư cách nguyên đơn đã khởi kiện 210 vụ chậm đóng BHXH và đã thu hồi được số tiền 75 tỷ đồng.

Từ năm 2016, quy định pháp luật thẩm quyền khởi kiện việc chậm đóng BHXH được giao cho công đoàn cơ sở. Từ đó tới nay công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được vụ khởi kiện nào để đòi "nợ" BHXH cho người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa lý giải nguyên nhân không khởi kiện đòi "nợ" BHXH

PV Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu nguyên nhân vì sao 8 năm (2016 -2024), các tổ chức công đoàn cơ sở ở địa phương chưa thực hiện quyền đại diện cho người lao động khởi kiện đòi "nợ" BHXH cho người lao động.

Vì sao công đoàn Thanh Hóa không khởi kiện đòi 130 tỷ tiền "nợ" BHXH cho người lao động?- Ảnh 1.

Trụ sở LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa.

Ông Võ Mạnh Sơn xác nhận thông tin trên và cho biết, luật quy định chỉ có tổ chức công đoàn cơ sở mới có thẩm quyền khởi kiện. "Cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, họ ăn lương của chủ sử dụng lao động nên việc đi kiện là rất khó vì họ ngại đụng chạm quyền lợi", ông Sơn nói.

LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa và cấp huyện đã trực tiếp làm việc với một số công đoàn cơ sở nơi doanh nghiệp "nợ" BHXH số tiền lớn, nhiều năm để "động viên" họ ủy quyền khởi kiện. Tuy nhiên, do ngại đụng chạm, "sợ mất cả chì lẫn chài" nên họ không ủy quyền.

Ông Sơn cho hay, luật BHXH vừa thông qua, sắp có hiệu lực thi hành quy định thẩm quyền khởi kiện đòi "nợ" BHXH là của công đoàn. 

Điều này có nghĩa là không chỉ công đoàn cơ sở mà công đoàn cấp trên (huyện, tỉnh) đều có quyền khởi kiện. Sắp tới luật công đoàn sửa đổi cũng theo hướng mở rộng chủ thể có thẩm quyền khởi kiện.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, việc doanh nghiệp "nợ" đặc biệt là "nợ xấu" BHXH gây ảnh hưởng và thiệt thòi rất lớn tới quyền lợi của người lao động. 

Thời gian tới, khi các luật BHXH, luật công đoàn sửa đổi có hiệu lực, công đoàn các cấp sẽ thực hiện quyền khởi kiện đòi "nợ" BHXH cho người lao động.

"Chắc chắn thời gian tới việc này sẽ thực hiện tốt hơn. Nếu công đoàn cơ sở không làm thì công đoàn cấp trên sẽ khởi kiện", ông Sơn chia sẻ

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho hay, theo quy định của luật, chủ doanh nghiệp phải trích 2% doanh thu để đóng cho công đoàn. 

Thực tế, tại Thanh Hóa có khoảng 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tốt việc này, rất nhiều doanh nghiệp trong nước không thực hiện.

Theo ông Sơn, "nợ" BHXH và không thực hiện đóng tiền công đoàn là vi phạm pháp luật và luật phải quy định chế tài mạnh hơn để xử lý.