Vì sao lương cơ sở tăng 30% mà lương hưu chỉ tăng 15%?

Admin
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, lương hưu được điều chỉnh dựa trên việc tăng chỉ số CPI nhiều năm qua.

Sáng 29/6, ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Rà soát tổng thể để có thống nhất về tiền lương

Tại họp báo, giải đáp các câu hỏi của phóng viên liên quan vì sao điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% mà chỉ điều chỉnh tăng 15% đối với mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, lương hưu được điều chỉnh dựa trên việc tăng chỉ số CPI nhiều năm qua.

“CPI tăng nhiều lần cùng với mức lương của người hưởng lương hưu. Số đó nếu cộng lại chỉ tăng 11,5%, tức đã ngang bằng với mức tăng 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng do các cụ hưởng lương hưu đời sống còn khó khăn nên Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc chuyển lên tăng 15%. Chính vì thế, nếu cộng dồn các chỉ số CPI, mức lương hưu thực tế sẽ tăng hơn 30%”, ông Phong giải thích.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, điều này cho thấy tính nhân văn trong chính sách, khi ưu tiên cho người hưởng lương hưu, đặc biệt người về hưu mà đời sống còn khó khăn.

Đối thoại - Vì sao lương cơ sở tăng 30% mà lương hưu chỉ tăng 15%?

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Liên quan việc tiếp tục phải lùi cải cách tiền lương toàn diện lần thứ 3, ông Phong cho biết, Nghị quyết kỳ họp đã nêu rõ: Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Theo ông Phong, thực hiện cải cách tiền lương mới cần dựa trên việc xây dựng được vị trí việc làm và mức lương phù hợp.

Tuy nhiên, đây là cả quá trình lâu dài, trong khi việc xác định vị trí việc làm hiện vẫn chưa đồng bộ, chưa đồng nhất giữa các bộ, ngành, địa phương dù cùng lĩnh vực, hay như trong lực lượng vũ trang cũng còn nhiều vấn đề cần xác định rõ liên quan cải cách tiền lương…

Chính vì vậy, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã nhất trí trình phương án “chậm dần” để cho phép Chính phủ có thêm thời gian rà soát, tính toán thật kỹ, dưới công thức xác định vị trí việc làm dựa trên tinh giản biên chế, từ đó có cơ sở để tính hệ số lương, mức lương… cho hợp lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần rà soát tổng thể để có sự thống nhất liên quan quản lý Nhà nước về tiền lương, từ đó có giải pháp hiệu quả hơn.

Đặc biệt, cần cân nhắc cải cách tiền lương kỹ càng dựa trên các điều kiện về nguồn lực, nhất là cho giai đoạn sau 2026 bởi hiện vẫn chưa dự báo được nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương cho giai đoạn này.

Đẩy sớm hiệu lực của Luật để đảm bảo tính khả thi

Trả lời câu hỏi liên quan đến đề án "1 luật sửa 4 luật". Cụ thể, đề án nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực và triển khai theo mốc thời gian sớm hơn từ 1/8/2024.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn để sớm đưa các chính sách và luật pháp vào cuộc sống.

Đối thoại - Vì sao lương cơ sở tăng 30% mà lương hưu chỉ tăng 15%? (Hình 2).

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời họp báo.

Theo ông Hiếu, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống. Trong quá trình thảo luận dự luật này chỉ có một băn khoăn của một số ĐBQH là việc nếu đẩy sớm hiệu lực của Luật thì có đảm bảo tính khả thi, tức là có đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo luật có hiệu lực đúng vào thời điểm có hiệu lực sớm.

"Điều này chúng ta đã thảo luận rất nhiều. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp. Thậm chí không thể gọi là cam kết vì Chính phủ đã và đang hành động rất quyết liệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị định cấp trung ương và địa phương, để đảm bảo Luật được ban hành và có hiệu lực theo thời điểm mới từ 1/8/ 2024.

Về phía Quốc hội, để đảm bảo nhiệm vụ này được hoàn thành thì trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc Quốc hội cần phải đảm bảo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, để không xảy ra hiện tượng gọi là không có hoặc chậm ban hành văn bản, vốn dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng không được thực thi trên thực tế", ông Hiếu nói.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề "1 luật sửa 4 luật" phải được hiểu rõ ràng rằng sửa luật không phải vì bấp cập mà để các luật sớm đưa vào cuộc sống.

Hoàng Bích - Thu Huyền