Tin liên quan
Vì sao nên cởi trói cho doanh nghiệp kinh doanh vàng?
Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: 3 “tư lệnh” ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn
Thị trường vàng làm "nóng" kỳ họp Quốc hội
Sáng ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã mở màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài hai ngày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm chính là tình hình khan hiếm trên thị trường vàng.
Trong tháng 10, nhiều người dân gần như không thể mua vàng miếng từ các ngân hàng và Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (Công ty SJC) hoặc chỉ được mua theo số lượng hạn chế. Hình ảnh người dân xếp hàng từ sáng sớm tại các cửa hàng vàng hoặc các chi nhánh ngân hàng được phép bán vàng đã trở nên quen thuộc.Vì thế, nhiều người phải tìm đến thị trường chợ đen, tham gia các hội nhóm mua bán vàng trên mạng xã hội bất chấp việc đối mặt với rủi ro, mua phải vàng không đảm bảo chất lượng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời trong phiên chất vấn, từ cuối tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng với mục tiêu tăng cung để tiệm cận giá với thế giới nhưng khoảng cách chênh lệch ngày càng tăng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cung cho thị trường vàng qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC. Từ đó mà khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế từ mức 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng nhưng tình trạng khan hiếm vẫn diễn ra.
Làm thế nào để tăng nguồn cung vàng?
Dù giá vàng đang tạm ổn định nhưng thị trường vàng vẫn bất ổn khi nhu cầu mua vàng trong dân rất lớn nhưng không được đáp ứng đủ. Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách can thiệp khi cần thiết, ổn định thị trường vàng
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa trong nền kinh tế, làm sao để kim loại quý này không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết những giải pháp để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế, bởi “vàng để trong dân là vàng chết”. Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho biết: "Nghị định 24 quản lý thị trường vàng không cấm doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức, song thực tế "chúng ta lại cấm" gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân".
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định kinh doanh vàng trang sức là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngân hàng Nhà nước không cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ song theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Do đó, bà Hồng cho biết tùy theo chính sách tiền tệ của từng thời kỳ, cơ quan quản lý có chính sách phù hợp về xuất nhập khẩu vàng.
Các chuyên gia đề xuất là Ngân hàng Nhà nước mở rộng nhập, thậm chí là nới lỏng hay bỏ các điều kiện về nhập khẩu vàng.
Nhưng thực tế cho thấy, muốn hạn chế tình trạng khan hiếm thì phải tăng cung vàng, các chuyên gia đề xuất là Ngân hàng Nhà nước mở rộng nhập, thậm chí là nới lỏng hay bỏ các điều kiện về nhập khẩu vàng. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết trong năm 2023, VGTA cũng đề xuất NHNN cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhưng không được chấp thuận. VGTA kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm cho phép các công ty được nhập khẩu vàng trực tiếp làm nguyên liệu để chế tác trang sức, mỹ nghệ. Bởi ngành nghề nào cũng cần có nguyên liệu mới sản xuất được. Việc tăng nguồn cung nguyên liệu sẽ giúp bình ổn thị trường, “cởi trói” cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, giúp thúc đẩy sản xuất các sản phẩm trang sức và vàng mỹ nghệ và cuối cùng, chính là biện pháp thúc đẩy nền kinh tế. Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng nhập khẩu vàng không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá hối đoái. “Ước tính khối lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam rơi vào khoảng 50 - 60 tấn, tương đương khoảng 3 tỷ USD, con số này không quá lớn so với nhập khẩu mỹ phẩm cả chính ngạch lẫn nhập lậu”.
Có thể thấy nếu các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng, thị trường sẽ bớt khan hiếm, giá vàng dần bình ổn và mọi người không còn chạy theo cơn sốt tích trữ vàng như hiện nay. Khi ấy, người dân có thể dễ dàng mua được vàng trang sức phục vụ nhu cầu làm đẹp, cưới hỏi. Dòng tiền trong dân cũng sẽ được phân bổ sang đầu tư sản xuất kinh doanh, mua bất động sản bên cạnh việc tập trung tích trữ vàng như hiện nay.