Khó khăn trong việc huy động vốn
Siêu dự án chống ngập tại Tp.HCM được khởi công từ năm 2016 với mục tiêu giảm ngập do triều cường trên diện tích 570 km², bảo vệ khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, đang đứng trước khó khăn lớn trong việc huy động vốn.
Mặc dù đã hoàn thành phần lớn hạng mục công trình, Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM cho biết, khó khăn lớn nhất của dự án là không thể huy động thêm 1.800 tỷ đồng để hoàn thành phần còn lại.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội Tp.HCM chiều ngày 7/11, ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng Tổng hợp công tư của Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM, nêu, việc áp dụng cơ chế đặc thù theo mô hình hợp đồng PPP (công tư) cho dự án gặp nhiều vướng mắc, do sự thay đổi liên tục trong quy định pháp lý, đặc biệt là với hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Việc này khiến các nguồn tài chính dự kiến từ phía Ngân hàng BIDV không thể tiếp tục giải ngân, gây bế tắc trong quá trình hoàn thiện công trình.
Theo ông Hưng, lý do chính dẫn đến việc đình trệ giải ngân là do Ngân hàng Nhà nước không thể gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho BIDV.
Ngân hàng này đã thu hồi khoản nợ và giải ngân tái cấp vốn khoảng 3.560 tỷ đồng, nhưng để tiếp tục, BIDV cần điều kiện pháp lý từ phía UBND Tp.HCM. Tuy nhiên, UBND Tp.HCM chưa thể thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư, do chưa đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý và hợp đồng đã ký kết.
Mặc dù Tp.HCM đã nỗ lực nghiên cứu và đề xuất lên Trung ương nhiều phương án để tháo gỡ vướng mắc, nhưng các quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.
Chính vì vậy, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác riêng để chỉ đạo rà soát, tháo gỡ những khó khăn mà dự án gặp phải.
"Chìa khóa" để giải quyết vấn đề
Ông Đỗ Quang Hưng thông tin, Tp.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các phương án giải quyết, hy vọng sẽ tháo gỡ được các khó khăn pháp lý và tài chính. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý liên quan đến hợp đồng BT và quy định về giải ngân vốn vay đang là những thách thức không dễ dàng vượt qua.
Ông Đỗng Quang Hưng cũng cho biết, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, nguy cơ dự án tiếp tục đình trệ sẽ rất cao, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân Tp.HCM.
Sự phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt là từ các cơ quan Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, và chính quyền Tp.HCM, sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề.
Trong tương lai, việc ổn định các quy định pháp lý và có phương án huy động vốn khả thi sẽ là bài học quan trọng cho các dự án tương tự, giúp các địa phương có thể chủ động triển khai và hoàn thành những công trình phục vụ cộng đồng đúng tiến độ.
Hiện tại, nhà đầu tư dự án đã cam kết hoàn thành hạng mục cống Bến Nghé. Hạng mục này đã hoàn thiện 97%, gần như hoàn thiện nhưng đang vướng một số công trình ngầm.
"Chủ đầu tư sẽ ưu tiên thực hiện xong hạng mục này để thể hiện quyết tâm. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, dự án chống ngập cần hoàn thiện tất cả hạng mục mới có thể đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả", ông Đỗ Quang Hưng cho hay.
Dự án chống ngập có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Tp.HCM khi mang đến giải pháp kiểm soát ngập do triều cường, đồng thời giúp Tp.HCM ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Dự án gồm 6 cống ngăn triều tại các khu vực trọng điểm như: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định cùng một hệ thống kè ven sông dài 7,8 km từ Vàm Thuật đến Sông Kinh.