Xu hướng không thể đảo ngược
Trong báo cáo được công bố tháng 4/2024 trên Market.us, quy mô thị trường nhà máy thông minh toàn cầu dự kiến tăng từ 292,7 tỷ USD năm 2023 lên 1.021,5 tỷ USD năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,9%.
Kết hợp các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật công nghiệp (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot tự động hoá, dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán biên… trên nền tảng kết nối 5G, quy trình sản xuất sẽ được tối ưu nhằm gia tăng tốc độ, sự chính xác và linh hoạt ở mức "chưa từng có". Sản xuất thông minh không chỉ là xu hướng mà chính là đại diện cho một cuộc cách mạng công nghiệp mạnh mẽ.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Ngay từ năm 2023, Tập đoàn Viettel đã triển khai thành công mạng 5G dùng riêng kết nối các ứng dụng cho nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam - Pegatron Hải Phòng .
Với hạ tầng 5G tốc độ gấp 10 lần so với 4G, với độ trễ cực thấp chỉ từ 1-5ms, mật độ kết nối cực lớn và năng lực làm chủ công nghệ, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đã phát triển hệ sinh thái 5G2B (5G to Business) toàn diện bao gồm các giải pháp riêng biệt cho từng khu vực trong nhà máy thông minh, từ dây chuyền sản xuất, kho hàng cho đến văn phòng điều hành….
Xoá bỏ những nút thắt của sản xuất thông minh
Để xây dựng một nhà máy thông minh, kết nối là nút thắt đầu tiên. Trong lĩnh vực sản xuất, việc không thể kết nối liên tục với số lượng lớn thiết bị, không chỉ làm giảm năng suất mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại kinh tế lớn do sai sót hoặc sự cố.
Tốc độ kết nối thấp khiến các công nghệ tiên tiến như thị giác máy tính hay máy chủ AI gặp nhiều cản trở trong quá trình hoạt động….
Mạng 5G Viettel ra đời đã giải quyết tối đa những "nỗi đau" này. Với độ phủ sóng rộng, mạng 5G giúp xóa bỏ "vùng lõm" bên trong nhà máy, đảm bảo kết nối thông suốt.
Với ưu thế vượt trội về băng thông rộng, độ trễ cực thấp và tốc độ truyền tải cũng như độ ổn định siêu cao so với 4G và wifi, 5G giải bài toán kết nối thiết bị mật độ cực lớn như máy móc, IoT cảm biến, camera,... gắn với các quy trình, nghiệp vụ trong đảm bảo an ninh an toàn, hoạt động sản xuất, lưu kho, logistics và kết nối giữa dây chuyền, hệ thống điều hành sản xuất gắn với số liệu đầu vào theo thời gian thực.
Trong các nhà máy thông minh, việc ứng dụng giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm qua kết nối 5G giúp truyền tải số lượng lớn hình ảnh chất lượng cao 4K, 8K và xử lý phân tích bằng AI tại biên, cải thiện tỷ lệ phát hiện lỗi sản phẩm lên đến trên 99%. Độ trễ thấp của kết nối 5G kết hợp với xử lý hình ảnh tại biên cũng giúp rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm, từ đó tăng năng suất cho nhà máy.
Quản lý hàng tồn kho và việc vận chuyển hàng hóa trong nhà máy giữa các xưởng cũng được tự động hóa nhờ các robot AGV/AMR. Các robot có thể di chuyển linh hoạt giữa các khu vực trong nhà máy phạm vi rộng với tốc độ cao, giúp giảm chi phí nhân công, giảm tai nạn lao động đến 25% thời gian so với các phương pháp truyền thống.
Trên phương diện quản lý tổng thể, hạ tầng siêu kết nối 5G cũng cho phép trung tâm điều hành sản xuất nhà máy giám sát liên tục toàn bộ hoạt động sản xuất, an ninh an toàn của nhà máy, theo dõi số liệu sản xuất từ các phân xưởng theo thời gian thực, cảnh báo tức thì trên hệ thống dashboard.
Với máy móc, việc mỗi thiết bị đều có thể "nói" về tình trạng của chính mình thông qua các cảm biến IoT sẽ giúp phát hiện sớm các sự cố kỹ thuật, sửa chữa từ xa, qua đó giảm thời gian máy ngừng hoat động gây gián đoạn sản xuất, tiết kiệm chi phí bảo trì và gia tăng tuổi thọ thiết bị.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo và hỗ trợ từ xa nhờ kính thực tế tăng cường AR kết nối 5G của các kỹ thuật viên với độ trễ gần bằng 0 cũng giúp giải quyết các vấn đề phức tạp nhanh hơn 25%.
Bằng những giải pháp thực tế, Viettel cho thấy hệ sinh thái ứng dụng 5G2B sẽ là nền tảng để thúc đẩy cuộc cách mạng toàn diện đối với lĩnh vực sản xuất, qua đó giúp sản phẩm Made in Vietnam nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
HM