VPS: từ công ty con của VPBank đến ngôi vương thị phần chứng khoán

Admin
Khác với kết quả kinh doanh èo uột khi còn trong vòng tay VPBank, Chứng khoán VPS đã vươn mình để chinh phục ngôi vương thị phần sau khi ngân hàng này thoái vốn.

Sự trỗi dậy

CTCP Chứng khoán VPS được thành lập vào năm 2006 do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nắm giữ đa số vốn. Doanh nghiệp có tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP các Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh Việt Nam (tên gọi ban đầu của VPBank) với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Đến năm 2010, công ty đã đổi tên thành Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS). Tuy nhiên, tới tháng 12/2015, VPBank đã thoái 89% vốn tại VPBS. Mức giá chuyển nhượng và đối tác của thương vụ không được tiết lộ.

Kể từ khi VPBank thoái vốn, VPBS đã không ngừng nâng vốn điều lệ với mục đích phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Chỉ sau 2 năm xa VPBank, vốn điều lệ của VPBS đã tăng từ 970 tỷ đồng lên 1.470 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của công ty này đã được nâng lên mức 3.500 tỷ đồng và chạm mốc 5.700 tỷ đồng vào năm 2021.

Đầu năm 2019, VPBS đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPS (VPS), giúp khách hàng dễ dàng nhận diện, không bị trùng lắp các ký tự khi phát âm tên viết tắt.

Ban đầu VPS đánh mạnh vào mảng phái sinh, miễn phí để thu hút nhà đầu tư. Thị phần phái sinh của công ty chứng khoán này lên tới hơn 50%. Chính sách về môi giới của VPS cũng "béo bở" hơn so với các công ty chứng khoán khác khi mức chia hoa hồng rất cao. Cùng với đó, môi giới của VPS khá đông đảo, bao gồm cả giới showbiz.

Nhờ vậy, thị phần môi giới của VPS liên tục gia tăng và vươn lên đứng đầu trên cả 4 sàn: HoSE, HNX, UPCoM, phái sinh từ quý I/2021 và duy trì cho đến nay. Trong khi trước đây, ngôi vương này đều thuộc về cái tên quen thuộc SSI. Cùng với HSC và VCI, thị phần của ba ông lớn này đều sụt giảm và ngày càng bị VPS bỏ xa.

Đơn cử như quý I/2024, VPS chễm chệ giữ ngôi đầu bảng với 20,29% thị phần toàn sàn, tăng 1,23% so với thời điểm cuối năm 2023 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động của công ty. Đáng chú ý, Chứng khoán SSI xếp thứ 2 nhưng thị phần chưa bằng một nửa VPS, chỉ chiếm 9,32%, giảm 1,12% so với cuối năm 2023.

Bước sang quý II/2024, VPS tiếp tục là quán quân thị phần toàn ngành khi chiếm 18,16%, tuy nhiên lại giảm 2% so với thời điểm cuối quý I/2024. Đây là mức thấp nhất của công ty chứng khoán này trong 1 năm, đồng thời ngắt chuỗi 5 quý liên tiếp mở rộng thị phần.

Vươn mình sau 8 năm 

Về bức tranh tài chính, giai đoạn trước năm 2015 khi còn trong “vòng tay” VPBank, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh liên tục trồi sụt.

Đơn cử như năm 2008, công ty ghi nhận doanh thu 125 tỷ đồng và lỗ sau thuế 752 triệu đồng, sang năm 2009 doanh thu giảm 55% xuống 57 tỷ đồng và lỗ sau thuế sâu hơn với 9 tỷ đồng.

6 năm tiếp theo, công ty đã có lãi nhưng cũng không ổn định. Năm 2013, VPS lãi sau thuế kỷ lục với 128,8 tỷ đồng, nhưng ngay năm sau 2014 đã “bốc hơi” 68% xuống 41 tỷ đồng. Thậm chí năm 2015 lợi nhuận công ty còn kém hơn khi ghi nhận vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng, doanh thu cũng lao dốc từ 407 tỷ đồng cùng kỳ xuống 62,3 tỷ đồng.

Đáng nói, năm đầu tiên xa VPBank, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng đột biến. Doanh thu đạt kỷ lục ở mức 1.542 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng vọt từ 2,8 tỷ đồng năm ngoái lên gần 108 tỷ đồng.

Những năm tiếp theo, doanh thu và lợi nhuận của VPS ghi nhận tăng trưởng đều. Nổi bật là năm 2022 công ty chạm đỉnh lịch sử khi ghi nhận doanh thu 8.440 tỷ đồng và lợi nhuận 806 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 136 lần và 307 lần sau 7 năm chia tay VPBank.

Thế nhưng vào năm 2023, doanh thu hoạt động của VPS giảm 25% so với năm trước xuống 6.373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng giảm 18% xuống 828 tỷ đồng. Con số này vừa đủ để VPS hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2023.

Trong quý I/2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán VPS đạt 1.570 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các chi phí, nhà môi giới chứng khoán này ghi nhận lãi trước thuế 631 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 505 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.

So với kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, Chứng khoán VPS đã thực hiện được hơn 42% sau 3 tháng đầu năm 2024.

Chương mới của Chứng khoán VPBank

Trở lại với VPBank, từ khi thoái vốn khỏi VPS, đến năm 2022 ngân hàng này mới quay trở lại mảng chứng khoán khi mua lại CTCP Chứng khoán ASC, thông qua việc 26,2 triệu cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ sở hữu 97,42%.

Chứng khoán ASC được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ ban đầu là 56 tỷ đồng. Sau khi về tay VPBank, Chứng khoán ASC đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS). Hoạt động chính của công ty là môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, lưu ký chứng khoán. Trụ sở chính tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Tp.Hà Nội.

Với bệ phóng là ngân hàng “mẹ” VPBank, VPBankS đã không ngừng tăng vốn. Hồi tháng 2/2022, vốn điều lệ VPBankS ở mức 269 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2022 vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng. Nhờ đó, VPBankS đã trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường thời điểm đó.

Nếu so với thời điểm trước khi VPBank mua lại, công ty ghi nhận doanh thu gần 11 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 6 tỷ đồng vào năm 2021, thì sang năm 2022 doanh thu của VPBankS đã tăng 70 lần lên 772 tỷ đồng, lợi nhuận cũng gấp 72 lần lên 434 tỷ đồng.

Sang năm 2023, doanh thu hoạt động của VPBankS đạt 1.936 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 2,3 lần lên 1.004 tỷ đồng.

Quý I/2024, doanh thu hoạt động của công ty tiếp tục tăng 43% so với cùng kỳ lên 585 tỷ đồng, nhưng do mảng tự doanh giảm hơn 72% cùng với việc chí phí tăng 5,6 lần khiến lợi nhuận công ty thu hẹp. Trừ đi các chi phí, VPBankS thu về 182 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 9% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Giải trình về lợi nhuận đi lùi, ban lãnh đạo VPBankS cho biết do thị trường xảy ra sự biến động mạnh về việc giảm lãi suất, dẫn đến lợi nhuận từ tài sản tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.