Vững bước tiến vào chặng đường mới

Admin
(PNTĐ) - Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, năm 2025 là thời điểm đặc biệt đánh dấu tròn một thập kỷ xây dựng cộng đồng ASEAN và cũng là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho cộng đồng ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Vững bước tiến vào chặng đường mới - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt vừa trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Năm 2025: Đánh dấu tròn một thập kỷ xây dựng cộng đồng ASEAN

Xin ông chia sẻ ý nghĩa và kết quả của Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa diễn ra tại Langkawi, Malaysia, ngày 19/1/2025?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại Langkawi, Malaysia ngày 19/1/2025 dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Malaysia đã thành công tốt đẹp. Dù chỉ diễn ra trong một ngày, song các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề và thống nhất được nhiều nội dung quan trọng. Những kết quả và ý nghĩa của hội nghị này có thể khái quát lại thành 3 điểm sau.

Một là, Hội nghị chính thức bấm nút khởi động cho một năm hợp tác ASEAN sôi động. Là hoạt động đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia, Hội nghị đã thống nhất về định hướng và các trọng tâm ưu tiên, cũng như các sáng kiến trên các trụ cột hợp tác nhằm cụ thể hoá chủ đề "Bao trùm và Bền vững". 

Về chính trị-an ninh, ASEAN sẽ ưu tiên củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong củng cố lòng tin chiến lược thông qua đối thoại, ngoại giao và thiện chí. Cùng với đó, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy và mở rộng quan hệ và hợp tác hiệu quả và thực chất với các nước đối tác và tổ chức khu vực. ASEAN cũng sẽ ưu tiên tăng trưởng bền vững và bao trùm trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác và liên kết kinh tế, gia tăng thương mại và đầu tư thông qua thực hiện Hiệp định về thương mại hàng hóa (ATIGA) nâng cấp phiên bản 3.0, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Kinh tế số ASEAN (DEFA), gắn kết các thị trường và chuỗi cung ứng, phát triển tài chính và đầu tư xanh…

Về văn hoá-xã hội, các nước chú trọng đặt nội hàm bền vững và bao trùm vào trung tâm của tiến trình xây dựng cộng đồng, để bảo đảm không ai bị bỏ rơi lại ở phía sau, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng chất lượng sống cho người dân và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tựu chung lại, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề và các ưu tiên trên được đưa ra, mà là trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu ASEAN đạt được trong các năm trước. Cụ thể gần đây nhất là năm 2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Lào và chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường", ASEAN đã đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực như tự do hoá thương mại và đầu tư, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, trung hoà carbon, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Những nội hàm hợp tác đó tiếp tục được đưa vào chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay với những cập nhật mới, thể hiện sự chủ động và linh hoạt của ASEAN trước những thay đổi của tình hình. Điều này cũng một lần nữa cho thấy dù ưu tiên của ASEAN qua các năm có thể đa dạng về hình thức, phong phú về cách thức triển khai, song về bản chất đều hướng tới hiện thực hóa mục tiêu dài hạn chung của ASEAN về việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết, tự cường, đóng vai trò trung tâm và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Hai là, Hội nghị đã bước đầu tạo dựng nền tảng hợp tác và phát triển của ASEAN trong dài hạn. Năm 2025 là thời điểm đặc biệt đánh dấu tròn một thập kỷ xây dựng cộng đồng ASEAN, và cũng là thời điểm quan trọng chuẩn bị cho cộng đồng ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, các nước đang tổng kết lại tiến trình xây dựng Cộng đồng trong 10 năm qua, đồng thời gấp rút hoàn thiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các kế hoạch chiến lược về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối để đưa vào thực hiện từ năm 2026. Xét trên phương diện đó, các ưu tiên, sáng kiến mà ASEAN đề ra cho năm 2025 không chỉ nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của ASEAN mà còn tạo thêm động lực và củng cố quyết tâm xây dựng một cộng đồng ASEAN "sáng tạo, tự cường, năng động với người dân làm trung tâm".

Cuối cùng, Hội nghị đã tái khẳng định thông điệp về một ASEAN đoàn kết, đóng vai trò trung tâm trong một thế giới nhiều biến động. Diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, Hội nghị đã ghi nhận những trao đổi thẳng thắn của các nước về tất cả vấn đề cùng quan tâm. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, tình hình Biển Đông, Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, Trung Đông, tiến trình thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… đều được thảo luận trên tinh thần cởi mở, khách quan và xây dựng. 

Dù mỗi nước thành viên có những đánh giá hay lập trường riêng, nhưng tựu chung lại các nước đều chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực. Trước những sức ép cũng như nhu cầu hợp tác ngày càng gia tăng từ các đối tác bên ngoài, ASEAN cũng thống nhất cần củng cố tự cường, tự chủ khu vực, song song với việc mở rộng và đưa hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, bình đẳng, hiệu quả và thực chất.

Những kết quả trên của Hội nghị sẽ tạo thuận lợi để ASEAN vững bước tiến vào chặng đường mới, tiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng và nhân tố quan trọng đóng góp vào hoà bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng của khu vực.

Các nước đánh giá cao sự tham gia tích cực, chủ động của đoàn Việt Nam

Xin ông cho biết những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Trên tinh thần chủ động, tích cực và sáng tạo, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự và có nhiều đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị. Những đóng góp đó được thể hiện trên các mặt sau:

Một là, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã truyền tải thông điệp ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với nước Chủ tịch Malaysia và chủ đề của năm 2025, cũng như cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước để triển khai hiệu quả các ưu tiên đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh ASEAN chuẩn bị bước vào giai đoạn hợp tác và phát triển mới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững đoàn kết, đồng thuận ASEAN, phát huy độc lập, tự chủ chiến lược trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình thế giới và khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã có nhiều chia sẻ và đề xuất quan trọng về tiến trình xây dựng Cộng đồng, tập trung vào 3 trọng tâm, bao gồm tăng cường hội nhập kinh tế khu vực để duy trì đà tăng trưởng và thịnh vượng khu vực, khai thác hiệu quả tiềm năng các công nghệ mới để tạo thêm động lực cho tăng trưởng, và thúc đẩy một cộng đồng ASEAN bao trùm với người dân làm trung tâm để bảo đảm không ai bị bỏ lại ở phía sau. Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ Timor Leste thực hiện thành công Lộ trình trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sớm gia nhập gia đình ASEAN. 

Cùng với những định hướng chiến lược đó là các sáng kiến và hành động cụ thể mà Việt Nam sẽ triển khai trong năm 2025, trong đó nổi bật là Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và bao trùm trong thế giới biến động" tại Hà Nội từ 25-26/02/2025. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp chúng ta đăng cai Diễn đàn này, qua đó thu hút sự tham gia rộng rãi của nhiều nhóm, giới để gợi mở những ý tưởng sáng tạo, đột phá cho sự phát triển, liên kết và hợp tác của ASEAN.

Hai là, trao đổi về hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã chia sẻ về những thời cơ, thuận lợi, cũng như các thách thức đặt ra khi ASEAN ngày càng thu hút được sự quan tâm từ các đối tác bên ngoài. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục đưa các mối quan hệ và hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất, mở rộng hợp tác với các đối tác mới trên cơ sở cùng có lợi, thiết thực, phát huy đoàn kết và vai trò trung tâm. 

Trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Anh và ASEAN-New Zealand giai đoạn 2024-2027, Việt Nam cũng đang rất tích cực, chủ động xây dựng các chương trình nghị sự để đưa các mối quan hệ này ngày càng phát triển, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trước mắt, Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nước ASEAN và New Zealand chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-New Zealand với mục tiêu nâng tầm mối quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-New Zealand vì hòa bình, phát triển và phồn vinh.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Bộ trưởng đã có những chia sẻ thẳng thắn, đánh giá khách quan và các đề xuất cụ thể đối với các vấn đề quốc tế và khu vực thuộc quan tâm chung. Phó Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, khách quan, nâng cao vai trò và tiếng nói trong các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Đối với vấn đề Biển Đông, chúng ta tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết và lập trường nguyên tắc của ASEAN, kêu gọi các nước kiên trì hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. 

Chúng ta cũng cam kết và sẵn sàng hợp tác với Chủ tịch ASEAN 2025 và Đặc phái viên của nước Chủ tịch về Myanmar, và nêu một số đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC), thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan nhằm tạo môi trường thuận lợi cho bầu cử và hoà giải tại Myanmar, và hợp tác hỗ trợ Myanmar ứng phó với tội phạm xuyên quốc gia.

Tựu chung lại, sự tham gia tích cực, chủ động ngay từ giai đoạn chuẩn bị và những đóng góp tại Hội nghị của đoàn Việt Nam được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2025 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam tham gia ASEAN, qua đó khẳng định chủ trương nhất quán của chúng ta về đối ngoại đa phương, trong đó ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp nhất, quan trọng nhất.