Theo kết quả quan trắc của Bộ TN&MT, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày, có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 cho thấy, nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%.
Sau đó, trừ mấy năm Covid (2020-2021) phải giãn cách xã hội, chất lượng không khí được cải thiện thì đến nay, tái diễn ô nhiễm với mức độ trầm trọng hơn. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10.
TP.Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp.
Nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông. Theo số liệu năm 2019, tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn, hơn 50% số này đến từ nguồn thải tại chỗ. Trong đó, hoạt động giao thông, bụi đường lớn nhất, chiếm 56%. Thành phố có 1,1 triệu ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.
Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho thấy, khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp 46% lượng bụi siêu mịn và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức phát thải từ giao thông. Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là xe tải hạng nặng, xe buýt và xe tải hạng nhẹ.
Phát thải nhiều thứ hai là từ các hoạt động sản xuất công nghiệp. Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề cùng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lân cận, nơi chỉ cách trung tâm 50-100 km. Đơn cử hoạt động nhiệt điện ở Hải Dương, Quảng Ninh; chế biến xi măng ở Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam; phân bón, hóa chất tại Thái Nguyên, Phú Thọ.
Nguồn nhiều thứ ba là đốt phụ phẩm nông nghiệp, chiếm khoảng 13% vào tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội. Khoảng thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất cũng trùng vào dịp thu hoạch hai vụ lúa chính là hè thu và đông xuân. Tại các huyện như: Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, người dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ ngay tại đồng.
Ngoài ra, các nguồn như xây dựng, đốt rác, y tế và hoạt động dân sinh khác đóng góp khoảng 10% vào tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Cơ quan chuyên môn đánh giá, TP.HCM có nguồn phát sinh khí thải lớn hơn, nhưng ô nhiễm không khí lại không nghiêm trọng bằng Hà Nội. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau có sự chênh lệch ngày đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt rất lớn làm hạn chế khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM 10 và bụi mịn PM 2.5.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT thì các yếu tố bất lợi về thời tiết làm cho tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng trầm trọng hơn miền Trung, miền Nam hay các tháng còn lại trong năm.
Tại Hội nghị "Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam", hướng đến hành động vì một "Bầu trời xanh, không khí sạch", ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, cho biết, thành phố đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Thiết lập hệ thống cảnh báo phòng ngừa ô nhiễm không khí; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, thực hiện các giải pháp ngắn và dài hạn… Triển khai các chương trình hành động để hướng tới mục tiêu kiểm soát và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm chính từ hoạt động giao thông, công nghiệp…
T.M (tổng hợp)