Xuân về trẩy hội đền Đuổm

Hoàng Huyền
Lễ hội đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội suy tôn thánh Đuổm Dương Tự Minh - Vị tướng có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc Đại Việt. Với những giá trị tiêu biểu, sâu sắc mang nét đẹp văn hóa tinh hoa trong lao động sản xuất và tinh thần đại đoàn kết bảo vệ bờ cõi đất nước, ngày 23/1/2017, Lễ hội đền Đuổm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

xuan-ve-tray-hoi-den-duom-dulichgiaitrivn-van-hoa-1644563337.jpg
Rước lễ vào đền Đuổm. (Ảnh tư liệu)

Từ TP. Thái Nguyên, chúng tôi ngược Quốc lộ 3 cùng trẩy hội đền Đuổm. Mới chớm Xuân mà cả một vùng di sản thiêng linh đã cao xanh, đầy tiếng chim hót gợi sự bình yên thanh nhã. Tôi nhẹ đặt bước chân mình lên từng bậc đá len dưới tán rừng cổ kính rêu phong. Khung cảnh núi thiêng thoảng hương trầm gợi miền hoài niệm, đưa tôi về với một miền kí ức vời xa.

Từ hàng trăm năm trước đây, Dương Tự Minh, người Quan Triều đã đến đây cùng dân địa phương trấn ải một vùng. Dưới sự cai quản của ông, phủ Phú Lương bấy giờ trở thành một vùng phồn thịnh. Ông được vua nhà Lý hai lần gả công chúa là Thiều Dung và Diên Bình, được phong “Phò mã lang”. Sau khi ông mất, nhà Lý sắc phong cho ông là Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần. Các đời sau đều phong ông là Cao Sơn Quý Minh. Còn Nhân dân địa phương đã thần thành hóa các huyền thoại về ngài bằng các tích truyện: “Chiếc áo tàng hình”, “Sự tích Ao Chuông lăn”, “Thánh Đuổm trị tà thần”... để nói về quyền năng siêu phàm của ngài. Đền thờ Ngài được lập bên sườn núi Đuổm, trở thành chỗ dựa tinh thần cho Nhân dân trong vùng.

Dưới tán cây cổ kính, nghe gió reo rì rầm như kể chuyện cổ tích, lòng người đằm lại, cảm nhận hơi mùa Xuân ấm áp hơn. Vâng! Đã hàng trăm năm nay, Xuân về, hẹn vào mùng 6 tháng Giêng, lễ hội đền Đuổm trở thành nơi tao ngộ cho Nhân dân, du khách thập phương vãn cảnh, chiêm bái cầu lộc, cầu tài. Lễ hội Nhâm Dần 2022 không rầm rộ bởi “tinh thần” phòng chống đại dịch COVID -19. Nhưng không vì thế mà lễ hội đền Đuổm mất đi khí thiêng liêng và không khí ấm áp của mùa hội có từ bao đời. Một Lệ tục thấm đẫm chất văn hóa các dân tộc Việt Bắc được lưu truyền theo dòng sử xanh. Bất chấp thời gian nghiệt ngã cũng không làm mai một, bởi những lệ tục liên quan đến lễ hội đền Đuổm thấm đẫm vào tinh thần của cư dân địa phương.

xuan-ve-tray-hoi-den-duom1-dulichgiaitrivn-van-hoa-1644563385.jpg
Chủ tế và đại biểu thực hiện nghi thức tế lễ khai hội đền Đuổm năm. (Ảnh tư liệu)

Với sự tôn kính ngài, từ trước lễ hội cả tuần, cư dân ở các làng thuộc Động Đạt đã hối thúc nhau chuẩn bị lễ vật dâng lên đền. Lễ có đủ chay, mặn theo lệ tục. Sự bận rộn với các công đoạn chuẩn bị cho nghi thức, nghi lễ và sắm lễ cũng là lúc ở các làng bên chân núi Đuổm trở nên bận rộn hơn. Trai gái thì thụp giã bánh giày, trẻ nhỏ rửa lá bánh giúp cha mẹ gói bánh chưng. Các lão bà têm trầu, sửa mâm uản quả, còn lão ông bình chọn lợn dâng thánh Đuổm. Mỗi người một việc, đám trai tráng đi chọn tre làm cây nêu, thiếu nữ tết quả còn, rồi cùng nhau làm vệ sinh môi trường ở khu vực cánh đồng Đuổm và giếng Dội. Bảo đảm sạch sẽ để đất và nước được rước về đền không bị uế tạp.

Từ sáng sớm ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng thực hiện lễ rước đất, lễ rước nước về đền. Theo lời truyền của các bậc cao lão: Rước đất, rước nước là nghi lễ cầu xin Mẹ đất, Mẹ nước phù hộ cho đất đai luôn màu mỡ, cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp người dân trong vùng có đủ đất, đủ nước sản xuất làm ra lúa ngô, con vật nuôi của làng mau lớn, nhà nhà được no đủ. Đến nửa đêm cùng ngày, một nghi lễ cực kỳ thiêng trọng. Đó là nghi lễ Mộc dục và nghi lễ Gia quan. Bao gồm tắm tượng, tắm bài vị Dương Tự Minh và khoác lại áo mũ cho tượng Ngài. Trong suốt thời gian thực hành các nghi lễ, hương đèn luôn tỏ sáng, mọi người có mặt ở đó chỉ rủ rỉ nói với nhau vừa đủ nghe. Có nhiều người thức trắng đêm ở đền để sớm sau vào chính lễ.

Chính lễ nhằm ngày mùng 6 tháng Giêng. Từ sáng sớm đã có khá đông người chờ đợi ở sân đền. Lúc giờ lành điểm (giờ Thìn), cư dân các làng Động Đạt thực hiện nghi thức dâng cỗ vào đền tế thành Đuổm. Lúc ông Thủ Chỉ gióng trống, các đoàn rước xắp thành hàng, theo thứ tự: Cỗ chay rước trước, cỗ mặn rước sau, từng đoàn khoan thai đi từ sân rồng lên sân điện theo bậc đã phía bên phải. Tất cả các mâm lễ dâng thánh thần được xắp bày ngay ngắn, đẹp mắt, trang trọng. Cỗ chay gồm: bánh dày, bánh mật, bánh rán mật, bánh bìa, bánh chè lam, bánh khảo, bỏng nổ. Cỗ mặn có hai loại là cỗ đại hạ và cỗ thờ. Cỗ đại hạ là cỗ để mọi người cùng ăn tại chỗ sau khi lễ. Cỗ thờ gồm lợn quay, xôi ngũ sắc được trang trí đẹp mắt. Trong không khí linh nghiêm, chủ tế đĩnh đạc đọc văn tế trời đất, thành thần với tâm nguyện chuyển tải đến anh linh thánh Đuổm thông điệp cầu phúc, cầu tài, cầu bình an cho dân làng.

xuan-ve-tray-hoi-den-duom2-dulichgiaitrivn-van-hoa-1644563421.jpg
Quang cảnh Lễ hội đền Đuổm năm 2020 (Ảnh: Vũ Kim Khoa)

Nghi lễ vừa kết thúc, trống hội đã thùng thùng giục gọi. Khoảng sân trước đền náo nức tiếng người về góp xuân. Trò ném còn khai hội bắt đầu, những đôi mắt trông theo quả còn có sắc tua nhiều màu rực rỡ, sóng người xô theo quả còn rơi. Lại chợt vút lên, rồi òa reo đồng thanh một niềm phấn khích khi quả còn xuyên thủng đồng tâm trên ngọn cây nêu. Các trò hội kéo co, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê, cờ tướng, hội thi hát cùng những hội thi sao chè, thi gói bánh chưng, dã bánh dày và lửa nổi lên với phần thi nấu ăn.

Một không khí xốn sang mừng Xuân mới đã về hiển hiện rạng ngời trên khuôn mặt. Ở tỉnh Thái Nguyên, Lễ hội đền Đuổm được ví như một trong những điểm nhấn mùa lễ hội đầu Xuân. Bởi từ những ngày đầu Xuân mới, lễ hội đền Đuổm mang nét văn hóa đặc sắc, khai mở nhịp sống náo nức, diệu kì. Và “bữa tiệc” ví, lượn, cọi chan hòa khắp đồng đất làng Đuổm. Từng câu hát theo gió ngân nga vọng vào sông núi:… “Thượng Đu Đuổm, hạ lục đầu”. Câu hát nối nhau, trải dài theo dọc một dòng sông thơ trên miền đất Thái Nguyên. Để như câu sli, câu lượn cùng lời cây đàn tính nhẹ rơi xuống dòng nước, mang theo tiếng hát mừng Xuân, cầu bình yên đi qua mùa đại dịch COVID -19.

Ngọc Chuẩn (TP. Thái Nguyên)
thainguyen.gov.vn