![Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trước những thời cơ, thách thức mới- Ảnh 1. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trước những thời cơ, thách thức mới- Ảnh 1.](https://bcp.cdnchinhphu.vn/334894974524682240/2025/2/6/thu-truong-tien-2-122437102-133029-1738837550206982731095.jpg)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trong tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đã giảm gần 5%, vậy ngành có coi đây là thách thức trong tăng trưởng không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Theo ước tính giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu của ngành đạt từ 64 - 65 tỷ USD sẽ có những khó khăn, thách thức.
Nhưng chúng ta cũng cần nhìn bao quát tăng trưởng ngành nông nghiệp tháng 1/2025 vẫn có những kết quả tích cực. Cụ thể, sản xuất lúa tăng so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa đã thu hoạch ước đạt 166.800 ha, tăng 80%. Các đàn vật nuôi như lợn, gia cầm vẫn tăng trưởng khá từ 1,7 – 3,7%, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm. Sản lượng gỗ khai thác cũng tăng trên 8%. Như vậy, đà tăng trưởng trong các lĩnh vực chính của ngành vẫn duy trì tương đối tốt.
Xin ông có thể phân tích rõ hơn các nguyên nhân giảm giá trị này và giải pháp tới đây của Bộ NN&PTNT để tăng trưởng giá trị cho nông, lâm, thủy sản xuất khẩu?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có thể nói chúng ta đã có hệ thống sản xuất để duy trì đà tăng trưởng và về đích mục tiêu xuất khẩu.
Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vừa qua, rõ ràng có một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm; một số sản phẩm vừa giảm về lượng vừa giảm về giá. Bên cạnh đó, một số thị trường nhập khẩu có nhu cầu giảm.
Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023. Nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn. Nguyên nhân do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại và một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực. Nhưng, khi xác định được những nguyên nhân này, ngành sẽ xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Halal như: De Heus Việt Nam, C.P. Việt Nam… Bộ đã họp bàn với các doanh nghiệp để tìm các giải pháp để "bước vào" các thị trường mới, duy trì quy mô, có đà tăng trưởng năm 2025.
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm đó là mối lo ngại về tác động từ các biện pháp bảo hộ của Hoa Kỳ - đây cũng là thị trường lớn của thương mại nông sản Việt Nam. Ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì để đảm bảo tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa của Canada, Mexico, Trung Quốc. Dự kiến sẽ có những khó khăn, thách thức khi có những đối đầu trong thương mại giữa Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, được duy trì khá tốt.
Tại cuộc họp Chính phủ, các bộ, ngành đều nhận định về nguy cơ chiến tranh thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Halal; phối hợp Bộ Công Thương để mở mạnh sang thị trường khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc – đây là hai thị trường lớn.
Cùng với duy trì mối quan hệ tốt, ngành nông nghiệp xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi với sự chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đây chính là điều kiện để Việt Nam có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, minh bạch. Cùng với đó, khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến được nâng cao để đảm bảo chất lượng, củng cố chuỗi sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Việt Nam có Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ và đây là đầu mối để nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của thị trường này. Do vậy, những thông tin từ Tham tán, Sứ quán sẽ giúp ngành phân tích, thúc đẩy thương mại, tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tổ chức sản xuất bài bản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và thúc đẩy thương mại.
Thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng của ngành duy trì ở mức cao. Xuất khẩu nông, lâm thủy sản Việt Nam đã sang hơn 200 thị trường. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21,8%. Việt Nam đã vào được thị trường này thì phải duy trì. Các chính sách thay đổi rất khó lường. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ bắt nhịp được. Nếu thay đổi sẽ không quá quá bất thường về quy chuẩn chất lượng sản phẩm.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh, thành phố có thể bắt nhịp được trong những thay đổi bất định của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và các thị trường khác để duy trì đà tăng trưởng.
Những biến động mới trong những ngày đầu năm này được ngành nông nghiệp nhìn nhận là những động lực mới để chuyển đổi và tăng tốc phát triển dựa trên hệ sinh thái sản xuất và tư tưởng kinh tế nông nghiệp đã hình thành được trong thời gian qua.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!
Đỗ Hương (thực hiện)