Án Tây-Luật Ta: Bị tiêm nhầm thuốc, bệnh nhân được bồi thường 420 triệu USD

Admin
Đây là khoản bồi thường cho cá nhân lớn nhất lịch sử y tế Mỹ - 412 triệu USD (10 nghìn tỷ đồng), nạn nhân bị tiêm nhầm thuốc rối loạn cương dương do chẩn đoán sai.

Án Tây: U70 bị tiêm nhầm thuốc rối loạn cương

Trung tâm Y tế NuMale chuyên về sức khỏe nam khoa tại bang New Mexico, Mỹ bị cáo buộc chẩn đoán sai cho một bệnh nhân nam U70, từ đó tiêm nhầm các mũi thuốc điều trị rối loạn cương dương. Người đàn ông này kiện ra tòa và thắng, được bồi thường 412 triệu USD (khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng). Đây là số tiền lớn nhất mà tòa án từng đứng ra giải quyết bồi thường cho một cá nhân trong lịch sử y tế nước Mỹ.

Quyết định về khoản tiền bồi thường được bồi thẩm đoàn đưa ra vào ngày 28/11. Trong phiên tòa, các y bác sĩ tại Trung tâm Y tế NuMale bị cáo buộc các tội danh như chẩn đoán sai bệnh và gây ra tổn thương vĩnh viễn không thể chữa lành cho bệnh nhân.

Luật sư của nạn nhân cho biết, năm 2017, người đàn ông này đến phòng khám tìm kiếm sự giúp đỡ do luôn thấy mệt mỏi và sụt cân không kiểm soát ở tuổi 66. 

Các bác sĩ cho rằng ông bị rối loạn cương dương và chỉ định tiêm thuốc vào dương vật trong nhiều năm. Sau đó, bệnh nhân nhận thấy bộ phận sinh dục của mình không thể hoạt động bình thường.

Năm 2020, ông khởi kiện trung tâm y tế NuMale và phải mất 4 năm, tòa án mới đi đến kết luận cuối cùng.

"Đây là vụ án lập kỷ lục về số tiền bồi thường. Tôi không nghĩ rằng các chuyên gia y tế được cấp phép, có chứng chỉ đàng hoàng lại có thể lừa đảo bệnh nhân để lấy tiền. Đây là hành vi rất nghiêm trọng, đi ngược hoàn toàn với nghĩa vụ, đạo đức của người làm nghề y. Hành vi này gây mất niềm tin của bệnh nhân đối với những người mặc áo blouse trắng", luật sư Lori Bencoe nói.

Một luật sư khác cho biết: "Kế hoạch của trung tâm này là thao túng và sử dụng nỗi sợ hãi như một cách để thuyết phục bệnh nhân chi trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ y tế".

Trung tâm Y tế NuMale cho biết họ không đồng ý với phán quyết trên và vẫn giữ ý định theo đuổi mọi biện pháp pháp lý để kháng cáo.

Brad Palubicki, người đứng đầu trung tâm, chia sẻ với truyền thông rằng từ trước đến nay, đơn vị vẫn luôn tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt tại tất cả các phòng khám. "Chúng tôi luôn tôn trọng quy trình tư pháp và thủ tục pháp lý. Chúng tôi không thể bình luận về các chi tiết cụ thể của vụ án tại thời điểm này", Palubicki nói thêm.

Án Tây-Luật Ta: Bị tiêm nhầm thuốc, bệnh nhân được bồi thường 420 triệu USD
- Ảnh 1.

Người đàn ông bị mệt mỏi và sụt cân, bác sĩ chẩn đoán nhầm và cho tiêm thuốc điều trị rối loạn cương dương. (Ảnh minh họa: People).

Luật Ta: Chẩn đoán sai phải bồi thường

Chẩn đoán bệnh là bước mở đầu quan trọng, quyết định thành bại của quá trình điều trị. Hiện vẫn còn không ít bác sĩ làm việc trong trạng thái qua loa, vội vàng, sợ tốn thời gian, sợ người khác biết mình yếu kém chuyên môn nên đưa ra những chẩn đoán sai, gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Sai sót y khoa không chỉ là chuyện riêng của bất cứ quốc gia nào. Ở Việt Nam, vấn đề xác định bác sĩ có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám chữa bệnh được quy định tại Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Theo đó, người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 xác định đã có một trong các hành vi sau đây: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; Xâm phạm quyền của người bệnh.

Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó (Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu xác định bác sĩ thực hiện khám bệnh có lỗi cố ý hoặc vô ý trong khi chẩn đoán, điều trị gây tổn hại đến sức khỏe, thiệt hại đến tính mạng của bệnh nhân thì bệnh nhân có quyền yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Về chế tài đối với hành vi chẩn đoán sai bệnh được quy định tại khoản 7 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể hình thức phạt chính: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.

Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1, điểm c khoản 2, các khoản 3 và 4 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 và khoản 7 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với cơ sở tái phạm một trong các hành vi hoặc vi phạm đồng thời từ 03 hành vi trở lên trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm a khoản 5 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP; Đình chỉ hoạt động một phần của cơ sở (đối với các khoa, phòng, trung tâm, đơn vị, bộ phận vi phạm) hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở (đối với vi phạm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của cơ sở) trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 và khoản 7 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP; Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 7 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Nếu tham chiếu pháp luật Việt Nam vào vụ án trên, khi nhân viên y tế chẩn đoán sai bệnh tình của bệnh nhân dẫn đến việc tiêm nhầm thuốc, khiến sức khỏe nạn nhân bị tổn hại thì cơ sở y tế đó phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân. Nếu không tự thỏa thuận được, bệnh nhân có thể khởi kiện, nhờ tòa án phân xử.

Ngoài ra, cơ sở y tế để xảy ra sự việc còn bị xem xét, bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Ánh Dương (T/h)