Tin liên quan
Thủ khoa toàn quốc với 3 điểm 10: Tấm gương sáng về sự tự học
Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024: Cả nước có hai thủ khoa
Là ngôi trường vùng xa của tỉnh Bắc Ninh, trường THPT Lương Tài số 2 năm nay ghi dấu ấn đặc biệt với 2 thí sinh thủ khoa khối C00 (Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử). Cụ thể, học sinh Phùng Thị Ngọc Mai và Khúc Nguyễn Thuỳ Linh đều đạt số điểm 29,75. Hai em đạt 10 điểm môn Lịch sử, 10 điểm môn Địa lý và 9,75 điểm môn Ngữ văn.
“Trái ngọt” sau những nỗ lực không ngừng nghỉ
Bất ngờ, vui mừng xen lẫn niềm hạnh phúc là những cung bậc cảm xúc đan xen đối với 2 em Phùng Thị Ngọc Mai và Khúc Nguyễn Thuỳ Linh từ lúc biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với tổng điểm 3 môn khối C00 là 29,75, Ngọc Mai và Thuỳ Linh đã trở thành 2 trong số 19 thủ khoa toàn quốc khối C00 năm học 2023-2024.
Đáng nói, hai nữ sinh được coi là “đôi bạn cùng tiến”, đồng thời, đều là học sinh đạt giải cao trong Đội tuyển HSG môn Lịch sử của trường.
Khoảnh khắc nhận được kết quả thi, cả hai em cho biết đều vô cùng bất ngờ, bởi chỉ nghĩ mình ở trong số thí sinh đạt điểm cao ở lớp thôi, chứ không nghĩ mình là một trong những thủ khoa toàn quốc khối C.
Khúc Nguyễn Thuỳ Linh chia sẻ, khi thấy mình được điểm cao, em còn không tin là thật. “Em đã kiểm tra 6 lần xem có đúng số báo danh của mình không. Sau khi xác nhận là đúng, ngay lập tức, em gọi điện cho mẹ và bảo: “Mẹ ơi, con được 29,75 điểm rồi, khéo Thủ khoa đấy ạ”. Thế mà em là thủ khoa thật” - Thuỳ Linh vui mừng nhớ lại.
Thuỳ Linh cho biết, lý do em “thiếu tự tin” vào kết quả của mình là do suốt hai ngày thi, em không ngủ được vì quá áp lực. Sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn, em đã phải uống thuốc đau đầu để giữ cho tinh thần tỉnh táo. Buổi tối trước khi thi tổ hợp xã hội, em đã bật khóc vì mãi không sao ngủ được” - Linh kể. May mắn, mẹ Linh đã ở bên động viên, an ủi, giúp nữ sinh lấy lại được tinh thần. “Em cảm thấy thật may mắn vì làm được bài và những nỗ lực mà mình bỏ ra là không vô ích” - Thuỳ Linh nói.
Theo Linh, để đạt kết quả như hôm nay, nữ sinh đã nỗ lực rất nhiều. Bố ở xa, Linh sống cùng mẹ và em gái, cuộc sống còn khó khăn. Mẹ Linh làm công nhân, thường xuyên đi sớm, về muộn, có hôm tăng ca đến 9h đêm. Ở nhà, Linh vừa chăm em, vừa giúp mẹ việc nhà, vừa ôn thi. Để sắp xếp việc học, Linh cân đối thời gian học bài hợp lý. Cô nữ sinh có bí quyết là “cày” để trải nghiệm các thi, nhờ cô giáo chữa đề, chỉ ra chi tiết ưu nhược điểm của mình trong từng bài thi, từ đó rút kinh nghiệm trong những bài thi sau.
“Em thường dành buổi sáng và buổi chiều để làm đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, còn buổi tối thì dành để học môn Ngữ văn. Ngày nào em cũng học đến 2-3 giờ sáng” - Thuỳ Linh cho biết.
Là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, Thuỳ Linh cho biết, môn Lịch sử là môn quan điểm, có nhiều nhận định khác nhau. Do đó, ngoài việc học ở lớp, nữ sinh thường tự tìm hiểu thêm tài liệu, đọc thêm tư liệu lịch sử của các nhà sử học và trên các trang báo chính thống. Nhờ đó, đối với các câu hỏi đòi hỏi tư duy, Thuỳ Linh vận dụng những kiến thức tìm hiểu, nghiên cứu cho vào bài để có góc nhìn phong phú và thực tế hơn.
Đối với môn Ngữ văn, Linh nói “không” với việc học tủ. “Ban đầu em chỉ dám đặt mục tiêu ở mức điểm 9. Sau đó, cô dạy văn động viên và khuyến khích em nâng lên mức điểm 9,5. Cuối cùng em cán đích với số điểm gần như tuyệt đối” - Linh tiết lộ.
Linh cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên từ nhỏ, em luôn ý thức việc học thật tốt. Em cũng thường nhắc nhở em gái (học lớp 6) cố gắng học tốt, ba mẹ con nương tựa vào nhau. “Mẹ em dù bận rộn nhưng vẫn luôn nhắc nhở, quan tâm đến hai chị em. Lúc em không thể ngủ được vào ngày thi, mẹ đã ôm em, vỗ về, an ủi, giúp em có thêm động lực để vượt qua áp lực thi cử hôm đó” - Linh cho biết.
Nói về mục tiêu của mình, Linh cho biết sẽ đăng ký vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội để bớt gánh nặng học phí cho mẹ, đồng thời, cũng là ước mơ của em trên con đường tương lai là trở thành giáo viên dạy Ngữ văn như cô giáo chủ nhiệm.
Khác với Thuỳ Linh, Phùng Thị Ngọc Mai lại không quá bất ngờ với điểm thủ khoa của mình. Mai mỉm cười cho biết, trước hôm báo điểm, nữ sinh cũng có chút lo lắng, nhưng vẫn tự tin mình sẽ đạt điểm cao.
Bí quyết của cô học trò lớp 12D1, trường THPT Lương Tài chinh phục các môn khối C là chia thời gian để học và không để bản thân mình bị áp lực. Mai cho biết, với môn Lịch sử, cô học theo sự kiện, ở lớp chú ý nghe giảng, note ra những mốc thời gian nổi bật để có nền tảng kiến thức cơ bản, sau đó, tự tìm hiểu, nghiên cứu qua tư liệu lịch sử để đưa vào bài.
Riêng với môn Ngữ văn, đây là môn mà cô “sợ” nhất, bởi xuất phát điểm năm l0 là chuyên các môn khối tự nhiên. “Trước đây em hay học văn theo kiểu thuộc lòng nên cảm thấy rất khó khăn. Nhưng một người chị đã giúp đỡ, đốc thúc, hướng dẫn em phương pháp học hiệu quả. Buổi tối trước ngày thi em gạch các ý chính và xem lại một lượt để tự tin hơn” - Ngọc Mai chia sẻ.
Trong quá trình ôn thi, Mai luôn nhắc nhở bản thân mình không chủ quan. Em luôn tranh thủ thời gian học các kiến thức cơ bản trên lớp, rà soát lại các phần không hiểu khi về nhà. Người thân luôn đồng hành và sát cánh với Ngọc Mai trong quá trình ôn thi và giây phút biết tin vui thủ khoa.
Ngọc Mai cho biết, nữ sinh tập trung học kiến thức vào hai tháng chuẩn bị diễn ra kỳ thi. Mai luyện viết văn theo các đề thi trước đó, tập làm thi ra giấy để nâng cao tốc độ viết và viết hết 1 đề trong một khoảng thời gian mà mình đặt ra. Sau đó, nữ sinh nhờ cô giáo chấm điểm xem mình còn thiếu sót gì. “Việc tự luyện viết thi môn Văn giúp em rèn luyện tư duy phản xạ, khắc phục một số khuyết điểm trong quá trình làm bài thi như vấn đề tâm lý, thiếu thời gian hoặc thiếu nội dung trong quá trình làm. Trong quá trình thi chính thức, em cố gắng hết sức để sau không tiếc nuối. Với môn văn, em còn 15phút để xem lại bài trước khi nộp bài thi” - nữ thủ khoa chia sẻ bí quyết.
Nữ thủ khoa cho biết,em mong muốn được trở thành tân sinh viên ngành Luật. “Thời gian đầu, khi biết được nguyện vọng của em, bố mẹ cũng không đồng ý. Sau một thời gian cảm nhận được quyết tâm của em, chính bố mẹ lại là người động viên em cố gắng” - Ngọc Mai chia sẻ.
Bí quyết của những người “truyền lửa”
Vui mừng trước thành tích của các học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Phương, giáo viên dạy môn Địa lý của trường THPT Lương Tài số 2 cho biết cũng rất bất ngờ khi nghe tin các em đạt điểm cao thế. “Trước khi thi tốt nghiệp THPT, các em tự tin nói với tôi là “sẽ cho cô lên báo”, hứa sẽ “giành nhiều điểm 10 môn Địa lý”. Tôi không ngờ, các em đã làm được” – cô Phương xúc động.
Theo cô Phương, các học sinh, trong đó có hai tân thủ khoa toàn quốc khối C00 là những người truyền cảm hứng để cho giáo viên thực hiện nghĩa vụ dạy học của mình. “Lúc đầu, điểm xuất phát của lớp không cao, chỉ xấp xỉ 6 điểm. Tuy nhiên, quá trình học tập, các học sinh đã tiến bộ trông thấy. Kết thúc kỳ thi vừa rồi, điểm thi môn Địa lý của lớp 12D1 đạt trung bình là 9,09, vượt ngoài mong đợi của các cô. Cô Phương đạt mục tiêu các học sinh sẽ đạt trên 8 điểm môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp, song đa số học sinh đều đạt trên 9 điểm. “Khi nhận lớp vào khoảng tháng 11/2023, tôi nhận thấy, các em làm tốt các câu hỏi khó, nhưng lại hay sai ở những câu hỏi dễ. Từ việc đánh giá vấn đề mà học sinh đang gặp phải, tôi chia ra phương pháo giáo dục phù hợp, dành thời gian củng cố kiến thức cơ bản cho các em, vừa sưu tập nhiều dạng đề thi để cho các em ôn luyện” – cô Phương nói. Trường THPT Lương Tài số 2 có 8 điểm 10 môn Địa lý, thì lớp 12D1 đã có 7 bạn đạt điểm 10.
Là giáo viên dạy Lịch sử, cô Nguyễn Thị Hương mỉm cười, cho. biết, cách truyền cảm hứng cho học sinh trước các lỳ thi là xây dựng kế hoạch học tập cùng nhau. Cô giáo thường xây dựng các chủ đề học tập theo từng chuyên đề để học sinh làm. Các học sinh trong hệ ôn thi HSG như Thuỳ Linh và Ngọc Mai còn được tham gia lớp chất lượng cao, được tiếp cận với nền kiến thức đa dạng, phong phú.
“Học Lịch sử là phải nhớ và hiểu bản chất sự kiện, do đó, tôi áp dụng công nghệ thông tin, câu chuyện, giúp các học sinh liên kết, tìm hỏi thông tin về sự kiện lịch sử ở nhà, thay vì chỉ nghe cô giáo giảng bài trên lớp. Ví dụ, khi học về sự kiện lịch sử Chiến dịch Điện Biên phủ 1954, tôi lên đề cương chuyên đề tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến lực tác chiến của Đại tướng trong chiến dịch này. Học sinh sẽ có cách thể hiện sự hiểu biết lịch sử của mình thông qua việc tự tìm hiểu thông tin, vẽ sơ đồ của sự kiện, thuyết trình sự kiện, liên hệ đến bối cảnh xã hội hiện nay và đối với bản thân… Nhờ đó, tiết học Lịch sử sẽ không bị nhàm chán, mà học sinh cũng hiểu lịch sử hơn” – cô Hương nói.
Là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên dạy văn lớp 12D1, có lẽ, với thành tích mà lớp đạt được, không ai có thể vui hơn cô Triệu Thị Ngọc Linh. Cô giáo trẻ vô cùng xúc động trước những thành tích đứng đầu bảng danh sách trường của lớp, đặc biệt có hai học sinh thủ khoa toàn quốc khối C00. Cô Linh nói: Đầu vào khối C của lớp không quá cao, nhưng lớp lại có những nhân tố xuất sắc. Quá trình 3 năm học, cô giáo chủ nhiệm đã đánh giá năng lực của từng học sinh để chia học sinh theo các nhóm như nhóm Văn, nhóm Sử, nhóm Địa… Các học sinh trong nhóm sẽ hỗ trợ cùng nhau tiến bộ, các nhóm cũng hỗ trợ lẫn nhau để không bỏ xa nhau. “Lớp có sự đoàn kết. Cô giáo mang tính định hướng nhiều hơn, còn học sinh thực hành là chủ yếu” - cô Linh. Nói. Theo cô Linh, học văn không thể cứ học thuộc. Học văn không chỉ để hiểu, mà còn biết phân tích và biết diễn giải những ý của mình.
“Giáo viên là những người truyền lửa, giữ lửa, còn học sinh là người tiếp tục thắp sáng lên ngọn lửa ấy. Các học sinh của tôi đều rất chăm chỉ, có mục tiêu của mình, có lý tưởng và gần như nỗ lực bằng tất cả sức lực của mình. Các bạn ấy có những ước mơ lớn, có nhiều người còn mong muốn được đi du học, đi đến khám phá vùng đất mới. Tôi luôn đánh giá cao những nỗ lực của các bạn” - cô Linh cho biết.
Đánh giá về thành tích của nhà trường, tại buổi gặp mặt tuyên dương giáop viên dạy và học sinh thủ khoa, thầy giáo Hoàng Văn Quý, Hiệu trưởng trường THPT Lương Tài số 2 đã gửi lời chúc mừng đến các học sinh và giáo viên. Thầy Hoàng Văn Quý đánh giá, đây là năm đầu tiên sau 24 năm thành lập, nhà trường đạt được thành tích tiêu biểu có hai học sinh thủ khoa toàn quốc khối C. Thành tích của các học sinh đã mang lại vinh quang và tự hào về cho ngôi trường có nhiều năm truyền thống “học tốt, dạy tốt” ở địa phương.
Theo thầy Quý, ngoài 2 Thủ khoa toàn quốc khối C, nhà trường có 2 Á khoa với 29,5 điểm, 4 học sinh thi 6 môn đạt 54 điểm, trung bình 9 điểm/môn; và 23 học sinh đạt điểm 10, trong đó, môn Hoá có 3 học sinh, Sử có 6 học sinh, Địa lý có 8 học sinh, Giáo dục công dân có 6 học sinh; có 39 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở các khối truyền thống.
“Có được thành tích trên là do công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch dạy và học bài bản, thực hiện ngay từ đầu năm học, phù hợp với các em học sinh nhà trường; sự tâm huyết, yêu nghề của các thầy cô giáo và sự quyết tâm học tập của các em học sinh, ý chí vươn lên trong học tập, khát vọng trưởng thành, mong muốn được cống hiến, được học tập… và truyền thống hiếu học của các thế hệ nhà trường từ trước đến nay. Những học sinh giỏi, học sinh thi điểm cao của các khoá trước không chỉ là tấm gương sáng trong học tập, phấn đấu mà còn về trường để dạy cho những em học sinh khoá sau, tạo nên phong trào học tập lan rộng khắp trường” - thầy Hoàng Văn Quý cho biết.