Nông dân lo thiếu vốn, doanh nghiệp sợ bẻ kèo
Tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án), UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, sẽ có trên 33.000 nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%.
Thực tế, tại các mô hình thí điểm đang được triển khai ở Trà Vinh trong vụ hè thu 2024, năng suất lúa đã lên 6,1 tấn/ha, cao hơn bên ngoài mô hình 0,2 tấn/ha. Với những hiệu quả bước đầu, nông dân trong tỉnh mong muốn tiếp tục trồng lúa theo mô hình của đề án trên. Tuy nhiên, vốn chính là rào cản lớn nhất hiện nay với họ. Vì muốn tham gia thì 70% diện tích phải áp dụng cơ giới hoá đồng bộ.
Là một trong những HTX được chọn để tiên phong xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao cho cả 3 vụ: Hè thu 2024, thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025, HTX nông nghiệp Phát Tài, ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang thiếu vốn để mua sắm các trang thiết bị mới phục vụ cho sản xuất.
Đơn cử, để có 1 chiếc máy gieo sạ hay máy cuốn rơm, thì cần phải bỏ ra từ 200-500 triệu đồng. Số tiền này, đối với HTX là khá lớn. Ông Nguyễn Văn Cưng, thành viên HTX Phát Tài cho rằng, từ trước đến giờ, HTX đều vay theo hình thức thế chấp nên lãi suất cao từ 6-7%/năm. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn hạn chế và điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của HTX.
Nông dân Nguyễn Văn Cưng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các ngân hàng có thể cùng chia sẻ với bà con, giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, để giúp HTX sản xuất lúa gạo bền vững thì trong 1-2 năm đầu tiên, các tổ chức tín dụng có thể không thu lãi, việc đóng lãi sẽ được nông dân thực hiện từ năm thứ 3 trở đi. “Nếu các chính sách vay vốn cởi mở hơn thì đây sẽ là đòn bẩy giúp các HTX có điều kiện mở rộng diện tích cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, tạo ra hạt gạo chất lượng, giảm phát thải. Đồng thời, điều này cũng sẽ tạo đà để phát triển kinh tế tập thể ngày một tốt hơn”, ông Cưng chia sẻ thêm.
Với các doanh nghiệp tham gia thu mua lúa gạo từ Đề án, họ lại lo lắng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dễ bị phá vỡ nếu nông dân tiếp tục “bẻ kèo” doanh nghiệp. Sự ràng buộc dù đã có nhưng dường như chưa đủ mạnh để bà con giữ chữ tín, mỗi khi vào vụ thu hoạch, vẫn xảy ra tình trạng bán lúa cho thương lái bên ngoài mặc dù đã ký hợp đồng với doanh nghiệp trước đó.
Báo cáo mới đây từ Cục Trồng trọt cho thấy, số doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa gạo cho các mô hình thí điểm của Đề án còn khá khiêm tốn so với tổng số đơn vị đang kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phước Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện nay Công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ bao tiêu 100 ha lúa của các mô hình từ Đề án tại tỉnh Vĩnh Long, với giá cao hơn bên ngoài từ 200-500 đồng/kg. Thực tế, doanh nghiệp vẫn dư tiềm lực tài chính để có thể bao tiêu hơn con số 100 ha, nhưng còn e ngại sẽ có những sai số xảy ra trong quá trình liên kết. Doanh nghiệp cần có sự chắc chắn và chủ động trong vấn đề cung cấp gạo cho các đối tác nước ngoài.
Rõ ràng, những lo lắng trên là có cơ sở, khi vấn đề này đã tồn tại rất lâu trong ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Và với những bước thí điểm ban đầu vẫn chưa cho thấy sự đảm bảo của cả chuỗi sản xuất, hướng đến mục tiêu có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.
Cần làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên
Để giải quyết bài toán liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, sự ràng buộc trong quá trình sản xuất cũng cần có sự giám sát của chính quyền của địa phương. Đây chính là cầu nối để hoá giải những tồn tại giữa các mắt xích tham gia chuỗi.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, về quy trình sản xuất thì người nông dân đã quen rồi. Do đó cần phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp nhiều hơn trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng khá tích cực nhưng mối liên kết cần phải bền chặt hơn trong việc cùng xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, để tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, xây dựng được thương hiệu gạo trên trường quốc tế, giảm phát thải và bảo vệ môi trường…, thì người nông dân và các HTX cần đòn bẩy về vốn để nhân rộng mô hình thí điểm.
Nhiều năm qua, các ngân hàng đã vào cuộc cho nông dân vay vốn, theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các mô hình tín dụng bộc lộ nhiều vướng mắc.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, để tháo gỡ vấn đề này, Bộ đang phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thí điểm mô hình tài chính tín dụng theo chuỗi. Một hình thức có sự kết hợp về mặt tài chính giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, nhằm giúp giảm áp lực cho vay bằng thế chấp. Đồng thời, góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ, chia sẻ hài hoà lợi ích và rủi ro giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng-Agribank chia sẻ thêm, với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Agribank đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng các sản phẩm tín dụng chuyên sâu. Dự kiến, Agribank sẽ hỗ trợ giảm tối đa 1% lãi suất cho các hộ nông dân, HTX và doanh nghiệp tham gia đề án.
Tuy nhiên, để thủ tục giải ngân được nhanh chóng, Ngân hàng này cũng khuyến cáo các bên tham gia minh bạch hoá giao dịch. Nhất là các dòng tiền mà doanh nghiệp sử dụng để cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân. Dự kiến, trong 2 năm đầu thực hiện, Agribank sẽ dành 30-40 nghìn tỷ đồng để cung cấp vốn cho các bên tham gia.
Thực tế, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao khoảng 11.800 tỷ đồng. Để hỗ trợ, Bộ NN&PTNT dự kiến đề xuất Chính phủ cho phép vay vốn ngân hàng thế giới khoảng 9.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn vốn đối ứng và các nguồn khác.
Ngoài ra, sau khi Việt Nam chính thức triển khai Đề án, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu để hỗ trợ vốn.
Bà Amber Sharick, chuyên gia tài chính bền vững thuộc Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) chia sẻ, hiện nay có rất nhiều chính phủ, tổ chức nước ngoài, quan tâm đến việc người nông dân Việt Nam đã sẵn sàng như thế nào để có thể đón nhận nguồn hỗ trợ từ họ. Bên cạnh đó, các đơn vị nước ngoài cũng rất quan tâm vấn đề làm thế nào để có thể giảm những rủi ro khi cung cấp tín dụng cho thị trường Việt Nam.
Rõ ràng, hiện đang có nhiều nguồn để nông dân, HTX và doanh nghiệp vay. Nhưng để có thể tiếp cận được các tổ chức này một cách sớm nhất, thì các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận tài chính.
Một vấn đề khác, việc trồng lúa phát thải thấp, người nông dân thường áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ. Biện pháp này được đánh giá có thể giúp giảm tới 25% lượng khí nhà kính. Nghĩa là phải luôn chủ động nguồn nước, tuỳ vào từng thời điểm để đưa nước vào hoặc rút nước ra. Tuy nhiên, có một tồn tại là các công trình nội đồng hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được yêu cầu này.
PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho rằng, để khắc phục vấn đề này, trước mắt, các HTX hay UBND các địa phương cần theo dõi sát sao về tình hình nguồn nước trong kênh nội đồng. Về lâu dài, cần rà soát và hoàn thiện hạ tầng nội đồng, như: xây dựng các trạm bơm nước, tiêu nước một cách chủ động. Và cần có các giải pháp phù hợp với từng tiểu vùng để kiểm soát lượng nước.
Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy sản xuất lúa theo hướng tăng trưởng xanh là minh chứng rõ ràng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Do đó, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai được xem là điều kiện tiên quyết để Đề án gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 thành công.
Hà Duyên