Là một người tâm huyết với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa cũng như kinh tế - xã hội của địa phương, không ít lần, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng bày tỏ trăn trở: "Khi thành lập quận, lãnh đạo quận đều mong muốn phát huy được giá trị của những di sản, di tích và làng nghề truyền thống trên địa bàn; từ đó giới thiệu cho người dân cũng như du khách thập phương về nét đẹp văn hóa đặc trưng của Tây Hồ. Muốn vậy, trước hết phải bảo tồn các nét đẹp truyền thống, sau đó phát huy được những giá trị ấy thì mới có sự lan tỏa. Tây Hồ xây dựng các điểm văn hoá để phát triển kinh tế, có nghĩa là đẩy mạnh công nghiệp văn hoá của địa phương".
Thật đáng quý khi không chỉ dừng ở suy nghĩ, mà chính quyền và người dân Tây Hồ thực sự đã hành động rất quyết liệt. Tiêu biểu như câu chuyện gìn giữ nghề ướp trà sen - nét khác biệt của văn hóa Tây Hồ. Hiện trên địa bàn quận có 129 người làm trà sen, cho sản lượng bình quân 600-800kg trà khô/năm, 50.000 bông trà sấy lạnh và 60.000 bông trà hoa tươi. So với các vùng đất khác, sản phẩm trà ướp sen Tây Hồ lưu lại hương thơm và đậm đà hơn. Lãnh đạo quận cũng rất băn khoăn làm thế nào để nghề ướp trà sen không bị mai một.
Nhằm gìn giữ giống sen quý bách diệp và duy trì nghề ướp trà sen truyền thống tại phường Quảng An, từ đầu năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội". Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha.
"Đây là tiền đề quan trọng để tạo không gian giao lưu văn hóa nhằm khai thác hiệu quả địa điểm dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn quận; và cũng là tiền đề cho quận Tây Hồ phối hợp các sở, ngành thành phố tham mưu tổ chức "Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024" tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (diễn ra từ ngày 12-16/7) với nhiều hoạt động đặc sắc, góp phần nâng tầm, lan tỏa nghề ướp trà sen truyền thống" - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ thông tin. Và khi nhắc đến Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, không ít nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao hiệu quả, hiệu ứng của sự kiện; đồng thời cho rằng, chương trình đã để lại dấu ấn đậm nét, dư âm tốt đẹp trong lòng đông đảo người dân, du khách.
Nói thêm về sự kiện điểm nhấn này, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho hay: Việc tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội là hiện thực hóa chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ vào tháng 10/2023 về việc phát huy các giá trị tự nhiên và con người, đặc biệt là những làng nghề nổi tiếng có thương hiệu, để phát triển công nghiệp văn hóa. "Thời gian tới, quận sẽ quy hoạch, khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen trên địa bàn để thu hút du khách trong và ngoài nước một cách bền vững".
Cùng với nghề ướp trà sen, các nghề nổi tiếng, có thương hiệu khác cũng được quận Tây Hồ chú trọng gìn giữ, phát triển để tạo thành một hệ sinh thái làng nghề tổng thể, hài hòa; từ đó gìn giữ nghề truyền thống địa phương và nâng cao đời sống người dân. Tháng 2/2024, "Nghề làm xôi Phú Thượng" được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhưng để đi đến thành tựu ấy là nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo cũng như người dân của quận trong một quá trình dài, đánh dấu bằng nhiều "điểm mốc": Ngày 30/12/2016, Phú Thượng được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng”.
Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Ngoài ra, xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP của thành phố Hà Nội. Trước đó, vào năm 2018, xôi Phú Thượng là 1 trong số những món ẩm thực truyền thống của Hà Nội được lựa chọn để phục vụ tại Trung tâm Báo chí Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Đó là cơ sở để quận Tây Hồ phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục Di sản văn hoá phi vật thể, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học đầu ngành văn hoá… hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh "Nghề Xôi Phú Thượng" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; góp phần định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống với tư cách là một di sản văn hoá" - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết.
Tương tự, hành trình để phục dựng nghề truyền thống giấy Dó và tạo ra điểm dịch vụ, du lịch văn hóa cũng là minh chứng ghi nhận hành trình "vượt khó", sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị phường Bưởi cũng như quận Tây Hồ. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Ngay từ Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, thành phố đã có quyết định về danh mục làng nghề bị mai một, trong đó có giấy Dó phường Bưởi.
Trên cơ sở xác định giá trị của làng nghề làm giấy Dó - nghề đặc trưng, tiêu biểu cho làng nghề của Thủ đô và kinh thành Thăng Long long, từ năm 2018 UBND quận Tây Hồ đã xây dựng Đề án giai đoạn 1 về phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó phường Bưởi; từ 2023 quận triển khai tiếp sang giai đoạn 2 là đưa vào khai thác, vận hành mô hình phục dựng về làng nghề giấy Dó.
Trong suốt thời gian ấy, lãnh đạo quận đã cử cán bộ đến các hộ dân, nhất là các cụ cao tuổi còn sinh sống trên địa bàn phường Bưởi để tìm hiểu, sưu tầm tư liệu về nghề làm giấy Dó. Mặt khác lãnh đạo quận Tây Hồ cũng đích thân đi đến các địa phương có nghề làm giấy Dó như huyện Yên Phong, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) để học hỏi về nghề. Một điều đáng quý là hầu hết nghệ nhân nổi tiếng ở các địa phương khác cũng đều xác định nghề làm giấy Dó vốn dĩ có nguồn gốc từ phường Bưởi, sau này mới chuyển hướng đi các khu vực lân cận.
Tuy nhiên trên cơ sở rà soát địa bàn hiện có và yếu tố môi trường, xác định với điều kiện diện tích, dân cư của phường hiện nay rất khó để khôi phục đúng nghĩa làng nghề; nên bước đầu quận thực hiện phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, trước hết để người dân, du khách biết đến và hiểu về một nghề truyền thống quý báu của địa phương mình.
Năm 2022, Tây Hồ đã ban hành Đề án "Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, các lĩnh vực mà quận tập trung đầu tư là: Du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và ẩm thực, không gian sáng tạo, nghệ thuật biển diễn. Đồng thời, quận cũng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đề án: "Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực Tây Hồ" giai đoạn 2, "Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ phường Quảng An"; các đề án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm Làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, xôi Phú Thượng gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, văn hóa...
“Với các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong Đề án, các điểm đến, không gian văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ sẽ được kết nối thành "trục sáng tạo" xoay quanh hồ Tây, từ đó tạo "lực đẩy" để quận Tây Hồ ngày càng phát triển, khẳng định vị thế Trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô" - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.