Báo chí cần tận dụng tốt lợi thế của các nền tảng mạng xã hội

Admin
Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí cần làm hay, tốt hơn, đồng thời cần tận dụng tốt những thế mạnh của mạng xã hội.

Không nên chạy theo mạng xã hội

Chiều 14/6, câu lạc bộ Cafe Số (Hội Truyền thông Số Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Báo chí trong kỷ nguyên số: Thời cơ và thách thức”. Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân với vai trò diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi về sự phát triển báo chí trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, khi mạng xã hội bùng nổ đặt ra nhiều thách thức cho báo về khả năng cạnh tranh thông tin. Chỉ trong thời gian ngắn bùng nổ, mạng xã hội đã thể hiện sự lấn lướt. Nhiều nhà báo tại toạ đàm đặt ra câu hỏi, báo chí cần xác định tâm thế như thế nào? 

Trả lời băn khoăn trên, ông Lê Quốc Minh thừa nhận, báo chí chính thống chuyển mình khá chậm. Nguyên nhân vì trong thời gian dài, báo chí có phần tự tin và chủ quan khi nghĩ rằng không ai sánh được với mình.

Chính sách - Báo chí cần tận dụng tốt lợi thế của các nền tảng mạng xã hội

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân chi sẻ tại toạ đàm. 

Giai đoạn trước đây, khi muốn biết thông tin, người dân phải tìm đến báo chí, mua báo, bật đài, mở tivi để theo dõi thông tin thụ động. Còn hiện nay tin tức tự tìm đến người đọc. Với thời đại của internet, người dân “tha hồ ngụp lặn trong biển thông tin”. Nhiều người cảm thấy không cần nhất thiết phải đến với báo chí để có được tin tức. 

Do đó, ông Minh cho rằng, xu thế chiếm lĩnh của mạng xã hội là có thật. Việc đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo hay đi trước mạng xã hội là không khả thi. 

Việt Nam có 100 triệu dân. Thực tế, mỗi người cầm trên tay chiếc smartphone là đã sẵn sàng trở thành 1 cơ quan báo chí. Vì thế, ông Lê Quốc Minh cho rằng báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với mạng xã hội. “Tuy vậy, báo chí không nên chạy theo mạng xã hội”, ông Minh nhấn mạnh. 

“Lấy sở trường của mạng xã hội để cạnh tranh với sở đoản của báo chí thì không thể được. Nhưng làm hay hơn, tốt hơn, chuyên nghiệp hơn là điều chúng ta cần hướng tới”, ông Lê Quốc Minh nêu quan điểm.

Báo chí không so sánh mình với mạng xã hội mà các cơ quan báo chí phải có chiến lược truyền thông xã hội phù hợp. Ông Minh lấy ví dụ về Báo Nhân dân, trước khi ông về thì fanpage của báo chỉ có 24.000 lượt thích, hiện đã nâng lên 300.000 lượt. 

Truyền hình Nhân dân trên nền tảng Youtube có khoảng 3,6 triệu lượt theo dõi, những sản phẩm báo đưa lên TikTok có đến hàng triệu lượt người xem. Điều này cho thấy báo chí cần chiếm lĩnh các nền tảng mạng xã hội để có chủ trương truyền thông phù hợp.

Cuối năm 2023, báo Nhân dân ra một trang về sản phẩm OCOP thu hút sự quan tâm của độc giả. Hay gần đây, sản phẩm báo in Bức tranh panorama hơn 3.000 m2 tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ đã tạo ra cơn sốt truyền thông, thu hút đông đảo giới trẻ quan tâm.

Ông Minh cũng dẫn chứng thêm, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đang có chiến lược chiếm lĩnh mạng xã hội và làm rất tốt với các chương trình livestream, truyền hình thu hút đông đảo độc giả.

“Công nghệ là vua” 

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ với sự phát triển của báo chí hiện nay. 

"Từ 20 năm trước, chúng tôi đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong báo chí, là phần không thể tách rời của báo chí. Nhưng lúc đó không nhiều người thống nhất quan điểm này. Các cơ quan báo chí giai đoạn đó quá tự tin vào bản thân mà quên đi việc chuẩn bị cho thời kỳ mà công nghệ phát triển mạnh mẽ", ông Lê Quốc Minh nói.

Chính sách - Báo chí cần tận dụng tốt lợi thế của các nền tảng mạng xã hội (Hình 2).

Các nội dung trao đổi nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà báo, cán bộ quản lý.

Xưa nay báo chí vẫn có quan điểm “Content is King” – tức nội dung là vua, nhằm đề cao vai trò quan trọng nhất của tác phẩm báo chí là chất lượng nội dung. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ mới là vua còn nội dung là nữ hoàng. 

“Nội dung hay là điều luôn cần nhưng để đưa nội dung đến độc giả phải có công nghệ. Làm thế nào để có nội dung hay, công nghệ tốt để tạo bản sắc riêng cho mỗi tờ báo là điều cơ quan báo chí nào cũng cần. 

Chúng ta đã chuyển từ cơ chế người dùng tìm đến tin sang cơ chế tin tức tự tìm đến người dùng. Nếu không có công nghệ thì không thể làm được. Chúng ta chi rất nhiều tiền để phân phối thông tin nhưng làm thế nào để thông tin đến người dùng là chuyện khác”, ông Minh khẳng định.

Minh Thu