Tin liên quan
Vai trò của báo Đảng trong tuyên truyền xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Mục đích xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh nhằm phát triển toàn diện con người
Ảnh hưởng tiêu cực
Tính đến năm 2023, Việt Nam có tới trên 70 triệu tài khoản mạng xã hội được kích hoạt, chủ yếu là Facebook, YouTube, Zalo, TikTok, Instagram, Twitter… Mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Bên cạnh những mặt tích cực như cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ, giao lưu, quảng bá hình ảnh, các mạng xã hội, môi trường số cũng tồn tại những hạn chế, bất cập cần được chấn chỉnh.
Thực tế cho thấy, tình trạng lệch chuẩn xã hội trên môi trường số đã và đang diễn ra. Các video phản cảm, bài viết sai sự thật, hiện tượng bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân và tổ chức, PR “bẩn”, content “bẩn”, thậm chí cả lừa đảo, trục lợi trên các nền tảng online... còn phổ biến trên không gian mạng. Đáng chú ý, mạng xã hội còn được sử dụng để tấn công, thóa mạ, núp bóng trong hành vi phỉ báng, cư xử thiếu văn hóa, hoặc bình luận... làm phương hại cá nhân tổ chức, lây lan cách ứng xử tiêu cực cho cộng đồng. Đơn cử cuối tháng 4/2024, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với nam TikToker liên quan vụ việc "bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn". Hay trường hợp nữ YouTuber tạo ra các video hướng dẫn các bạn nữ cách moi tiền từ bạn trai quen trên Tinder, làm thế nào để sống tốt ở Hà Nội dù không có việc làm gây xôn xao dư luận; rồi các video hướng dẫn cách tự tử không đau đớn; trào lưu “bóc phốt” quán ăn/địa chỉ bán hàng nào đó… Các content “rác” xuất hiện nhan nhản với tốc độ lan truyền tin nhanh làm tổn hại đến uy tín của các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đặc biệt những nội dung này còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận giới trẻ khi bất kỳ vấn đề gì cũng có thể đem ra khai thác để thành content trên mạng xã hội.
Đề cao vai trò của báo chí
Các thông tin này nếu không được ngăn chặn kịp thời bằng chế tài từ luật pháp, đến ý thức hành động của chính những người tham gia môi trường số, có thể sẽ làm méo mó các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Hiện nay, chúng ta đã có Luật An ninh mạng trong đó quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân khi tham gia sử dụng dịch vụ trên môi trường mạng. Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ như Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” nhằm hướng dẫn, khuyến khích những hành vi đúng trên mạng xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy tắc ứng xử trong trường học để xây dựng văn hóa trường học lành mạnh; Bộ Y tế ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế… Đáng chú ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Với cấp địa phương, UBND TP Hà Nội ban hành hai Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành “Bộ tiêu chí văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số”… Đây là những văn bản quản lý Nhà nước rất quan trọng nhằm định hình chuẩn mực văn hóa mới trên môi trường số.
Đặc biệt, việc xây dựng chuẩn mực văn hóa trên môi trường số có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Trong thời gian qua, báo chí đã góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều tin, bài đã phát hiện, làm lan tỏa những nét đẹp về văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội, từ đó tác động tích cực và nhân lên những điều tốt đẹp. Bên cạnh đó, báo chí cũng đã phát hiện, phản ánh và lên tiếng mạnh mẽ trước nhiều hiện tượng, hành vi thiếu chuẩn mực, qua đó cảnh báo về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa. Báo chí cũng đã phát hiện những bất cập trong quản lý và định chế ở các mức độ khác nhau, từ quy ước, các văn bản quy định để từng bước hình thành những chuẩn mực…
Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Trong đó, Điều 5 quy định rõ chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Tiếp đó, tháng 12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Quy tắc này bao gồm 4 điều người làm báo cần làm và 8 điều không được làm, trực tiếp tác động tới người làm báo với vai trò dẫn dắt dư luận xã hội.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Với TP Hà Nội, bề dày hơn 1000 năm lịch sử, sở hữu khối di sản văn hóa phong phú, độc đáo đã định hình nên bản sắc và thương hiệu văn hóa Thăng Long – Hà Nội, trong đó có lối ứng xử thanh lịch, tao nhã đậm chất Tràng An của người Hà Nội. Tiếp tục kế thừa và phát triển nét đẹp đó, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc được thành phố đặc biệt quan tâm. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU (khóa XVII), ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… Để các chương trình, Nghị quyết này đi vào thực tiễn đời sống, có sự đóng góp không nhỏ trong công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí Trung ương và Thủ đô. Báo chí nói lên tiếng nói giữ gìn những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, lối ứng xử; giữ gìn yếu tố gốc của di tích, giữ gìn kiến trúc làng ven đô đừng để những ngôi làng cổ biến thành những cục bê tông; giữ gìn những dòng sông; giữ gìn những hàng quán ngon… Nhiều tác phẩm phản ánh đúng và trúng các vấn đề của Hà Nội hiện nay trong phát triển văn hóa, nổi bật như: bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình đô thị hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế; số hóa để di sản; phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; khơi nguồn sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô…
Đặc biệt, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được phát động qua 6 năm, thu hút đông đảo các nhà báo, cơ quan báo chí tham gia. Gần đây nhất, Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VI - năm 2023 tiếp nhận 292 tác phẩm của 39 đơn vị, cơ quan báo chí, trong đó có 8 cơ quan báo chí Hà Nội, 31 đơn vị, cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành trên địa bàn gửi tham dự với đầy đủ các loại hình báo chí.
Báo chí là một phần của văn hóa, mỗi sản phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa. Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, báo chí đã góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa giá trị văn hóa trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Bằng tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô, các cơ quan báo chí đồng hành và tiếp tục phát huy vai trò quan trọng định hướng, truyền cảm hứng, lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng như văn hóa con người Việt Nam.
Báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay. Trong đó, báo chí là kênh quan trọng để tuyên truyền, hướng dẫn và định hướng dư luận, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, vai trò của báo chí càng phải được thể hiện và khẳng định một cách mạnh mẽ bằng việc thể hiện thông tin một cách chính xác, chuẩn mực và có tính định hướng cao, trong đó có vấn đề truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra… Khi phát hiện sai phạm, cần có chế tài mạnh đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
(Tham luận của báo Kinh tế và Đô thị tại Toạ đàm “Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức)