Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

Admin
(PNTĐ) - Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, song, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận chăm sóc y tế và sự thiếu hiểu biết vẫn là những rào cản lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ em vẫn còn cao, số 76.000 ca tử vong liên quan đến AIDS ở trẻ em dưới 14 tuổi trong năm 2023 vẫn là một con số đáng lo ngại khi trẻ em chỉ chiếm 3% số người nhiễm HIV nhưng lại chiếm 12% số ca tử vong liên quan. Phó giám đốc UNICEF về HIV/AIDS, bà Anurita Bains nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư nguồn lực và nỗ lực mở rộng chương trình điều trị, bao gồm cả việc áp dụng công nghệ xét nghiệm tiên tiến hơn nhằm đảm bảo trẻ em có quyền tiếp cận với liệu pháp kháng virus. Hiện tại, chỉ 57% trẻ em từ 14 tuổi trở xuống và 65% thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi có thể tiếp cận được thuốc điều trị cần thiết.

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ. UNAIDS cho biết, phụ nữ thường thiếu quyền tự quyết về sức khỏe tình dục khiến họ dễ bị nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình. Ở những khu vực có tỷ lệ HIV cao, phụ nữ bị bạo hành tình dục có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn tới 50%. Sự bất bình đẳng này đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi phụ nữ chiếm 63% số ca nhiễm mới HIV trong năm 2021. Nguy cơ nhiễm HIV ở trẻ em gái vị thành niên và nhóm tuổi 15-24 ở khu vực này cao gấp 3 lần so với nam giới. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm HIV ở trẻ em gái giảm tới 50% nếu được tiếp tục đi học và hoàn thành chương trình giáo dục trung học và nguy cơ giảm càng nhiều nếu các bé gái được hỗ trợ đúng mức.

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ - ảnh 1

Vắc-xin ngừa HIV vẫn là biện pháp lý tưởng điều trị AIDS. Ảnh: Newsmedical.net

Mặc dù có tiến bộ đáng kể trong việc giảm số ca nhiễm HIV mới và tử vong trên toàn cầu, song vẫn còn khoảng 630 ngàn người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS trong năm 2023. Nguyên nhân chính là sự khan hiếm tiếp cận liệu pháp kháng virus, đặc biệt ở các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Các phương pháp tiến bộ như việc tìm ra thuốc tiêm "Lenacapavir" có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh gần như hoàn hảo, hoặc một số trường hợp chữa khỏi bằng ghép tế bào gốc lại chưa khả thi đối với đa số bệnh nhân. Do đó, biện pháp lý tưởng hơn được các chuyên gia nhắc tới vẫn là sự ra đời của vắc-xin ngừa HIV.

Châu Á là khu vực có số người sống chung với HIV lớn thứ hai trên thế giới - 6,7 triệu người năm 2023. Khu vực này đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể về số ca nhiễm mới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, với Lào và Philippines là những khu vực được quan tâm nhiều nhất. Từ năm 2010 - 2022, số ca nhiễm HIV mới tăng 32% ở nam giới đồng tính và những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới. Philippines là minh chứng cho sự cấp thiết của việc ngăn chặn sự gia tăng dịch bệnh. Quốc gia này dự báo số ca nhiễm HIV sẽ tăng lên đến 448 ngàn vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng ngừa và can thiệp không được mở rộng. Bộ Y tế Philippines (DOH) đang hợp tác với Hội đồng phòng chống AIDS quốc gia để triển khai chiến dịch chống lại sự kỳ thị và thúc đẩy các cuộc thảo luận về phòng ngừa HIV/AIDS, đồng thời khuyến khích xét nghiệm định kỳ ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe địa phương. Trường hợp Brunei, dù từng có tỷ lệ nhiễm HIV thấp, nhưng trong vài năm trở lại đây cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể với 57 ca nhiễm mới trong năm 2023, chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi 20-34.

Phương pháp dự phòng PrEP (phòng ngừa trước khi tiếp xúc) được xem như công cụ quan trọng giúp giảm thiểu tỉ lệ nhiễm HIV. Việc sử dụng đều đặn thuốc PrEP có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục lên đến 99%. Tình hình nhiễm HIV ở phụ nữ và trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết khẩn cấp trên toàn cầu. Các giải pháp bao gồm tăng cường tiếp cận chăm sóc y tế, giảm thiểu sự bất bình đẳng giới, nâng cao nhận thức cộng đồng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Việc mở rộng các chương trình xét nghiệm, điều trị và hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương là rất cần thiết để kiểm soát và cuối cùng xóa bỏ dịch bệnh này.