Bất ngờ về thị phần LNG của Nga ở châu Âu

Admin
Mặc dù Nga không còn là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của EU khi hầu hết các tuyến đường ống hiện có đã ngừng chảy, LNG từ quốc gia này vẫn là một phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu.

Vai trò của Nga trên thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Liên minh châu Âu (EU) đang tăng lên, trong bối cảnh khối 27 quốc gia này vẫn đang cân nhắc các cách kiểm soát nguồn cung từ gã khổng lồ Á-Âu.

Thị phần của Moscow trong nhập khẩu LNG của EU đã tăng lên 20% trong nửa đầu năm nay, so với mức 14% cùng kỳ năm ngoái, hãng Bloomberg hôm 22/10 dẫn báo cáo từ Cơ quan hợp tác quản lý năng lượng (ACER) của EU.

Mức tăng này làm nổi bật cán cân năng lượng của châu Âu, 32 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung chưa từng có trên "cựu lục địa".

Bất ngờ về thị phần LNG của Nga ở châu Âu- Ảnh 1.

Đồ họa: Bloomberg

Mặc dù Nga không còn là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của EU khi hầu hết các tuyến đường ống hiện có đã ngừng chảy, LNG từ quốc gia này vẫn là một phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu.

Trong quý III, tổng lượng nhiên liệu siêu lạnh nhập khẩu của EU đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Điều đó nghĩa là thị phần LNG ngày càng tăng của Nga nằm trong một "chiếc bánh" nhỏ hơn.

Tiêm kích tàng hình F-35B thực hiện cuộc hạ cánh “lịch sử” trên chiến hạmĐỌC NGAY
Nga tính “chơi lớn” khi dùng tàu ngầm hạt nhân để vận chuyển LNG ra khỏi Bắc Cực?Nga tính “chơi lớn” khi dùng tàu ngầm hạt nhân để vận chuyển LNG ra khỏi Bắc Cực?ĐỌC NGAY

Theo báo cáo của ACER, LNG có nguồn gốc từ Mỹ giữ nguyên ở mức khoảng 45% trong giai đoạn này, trong khi thị phần của Qatar giảm xuống còn 12%.

LNG của Qatar có xu hướng được vận chuyển nhiều hơn tới châu Á vì các tàu chở LNG đã tránh hải trình qua Biển Đỏ do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu thương mại.

Sự thay đổi trong luồng thương mại cũng cho phép nhiều LNG của Nga hơn vào thị trường châu Âu, Bloomberg giải thích. Hiện tại, EU đang cố gắng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, ngay cả khi nguồn cung vẫn tiếp tục chảy vào khu vực.

Thỏa thuận quá cảnh khí đốt Nga qua Ukraine tới một số quốc gia thành viên EU ở Trung và Đông Âu sẽ hết hạn vào ngày 31/12 và các quan chức đang tìm cách thay thế dòng khí đốt này.

Hồi mùa hè, EU đã lần đầu tiên đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt hạn chế đối với LNG đến từ Nga.

Pháp và Bỉ – những quốc gia vẫn tiếp nhận một lượng lớn nhiên liệu của Nga – đều kêu gọi giám sát nguồn cung này chặt chẽ hơn. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, vẫn chưa đưa ra kế hoạch hành động về cách đẩy nhanh quá trình loại bỏ dần LNG của Nga.

Nhu cầu khí đốt của EU trong 8 tháng đầu năm tiếp tục giảm so với năm 2023, theo báo cáo giám sát thị trường năm 2024 của ACER. Sự sụt giảm trong việc sử dụng điện đã bù đắp cho sự gia tăng nhỏ trong nhu cầu công nghiệp.

Thị phần của EU trên thị trường nhập khẩu LNG toàn cầu đã giảm xuống còn 18% trong quý III, so với mức 24% cùng kỳ năm trước.

Thị trường khí đốt châu Âu tương đối cân bằng, và khách hàng trong khu vực đã không còn phải mua các lô hàng giao ngay với giá cao hơn, báo cáo của ACER chỉ ra.

Minh Đức (Theo Bloomberg)