Ngày 26/5, thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ quan này vừa có văn bản hoả tốc về việc chủ động phòng, chống ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND huyện Tuy Phong đảm bảo an toàn cho khu vực bãi xỉ tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, không để xỉ tràn ra bên ngoài và khu dân cư khi xảy ra mưa lớn cục bộ, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Tăng cường kiểm tra các dự án khai thác khoáng sản, nhất là các dự án nằm ở vị trí địa hình cao, đồi dốc có các moong chứa nước; yêu cầu chủ đầu tư có phương án trực, bố trí thiết bị xe máy ứng phó, xử lý sự cố kịp thời khi có mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, công trình và tuyệt đối không để xảy ra sự cố bể moong chứa nước.
UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị để khắc phục hậu quả mưa lũ gây sạt lở vào rạng sáng ngày 21/5/2024. Đồng thời, có biện pháp phòng chống ứng phó sự cố sạt lở lâu dài, hiệu quả, đảm bảo an toàn công trình giao thông, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực dưới đồi.
Tổ chức kiểm tra các dự án du lịch, dự án phát triển đô thị và các công trình ven biển. Trong đó, rà soát hồ sơ thiết kế của các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án phải có giải pháp bảo vệ môi trường, phương án ứng phó an toàn cho người, công trình và phương tiện; yêu cầu chủ đầu tư dự án, công trình thành lập tổ (đội) lực lượng ứng phó sự cố nhanh tại chỗ để chủ động tổ chức xử lý kịp thời, hạn chế không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các khu dân cư ven biển mỗi khi có mưa lớn xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương Chỉ đạo kiểm tra, phối hợp với các đơn vị chủ hồ chứa nước đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
Kiểm tra sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó sự cố khi mưa lớn, lũ về hồ nhanh, vận hành theo đúng quy trình và đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa nước theo quy định.
Những ngày qua, tại một số địa phương của tỉnh Bình Thuận như: Phan Thiết, Đức Linh, Tánh Linh đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, cát, ngập lụt cục bộ, lốc xoáy, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và giao thông của người dân; đặc biệt, đêm ngày 20/5/2024 kéo dài đến rạng sáng 21/5/2024, do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ kéo dài (lượng mưa đo được từ 23 giờ ngày 20/5 đến 05 giờ ngày 21/5/2024 tại trạm Hàm Tiến là: 186,8mm; Mũi Né là: 96,9mm), mưa to nước chảy từ trên đồi cao kéo theo lượng cát rất lớn đổ xuống làm ngập một số nhà dân, tràn lên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né) và Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến), thành phố Phan Thiết, gây ách tắc cục bộ giao thông, hư hỏng tài sản, đồ dùng của nhân dân trong khu vực.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ này đến hết tháng 6/2024, hiện tượng ENSO sẽ chuyển dần sang trạng thái Lanina với xác suất từ 65 - 75%, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ, Nam Trung Bộ có khả năng kéo dài trong những tháng tới, tổng lượng mưa tại khu vực phổ biến ở mức cao hơn từ 5 - 20% so với trung bình nhiều năm.