Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo

Admin
(PNTĐ) - Tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất.

Theo Bộ GD&ĐT, tại dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con của nhà giáo sau khi tiếp thu các ý kiến phản biện, đóng góp khi đưa ra lấy ý kiến.

Bộ GD&ĐT cho biết, việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù. Chẳng hạn, với lực lượng công an nhân dân, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hiện đã có quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo - ảnh 1
Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con của nhà giáo sau khi tiếp thu các ý kiến phản biện, đóng góp khi đưa ra lấy ý kiến.

Cụ thể, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ được hưởng các chế độ, chính sách quy định đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân (Luật Công an nhân dân) gồm: bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của chồng và của vợ. Vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi của sĩ quan tại ngũ không có chế độ bảo hiểm y tế thì được khám bệnh, chữa bệnh miễn hoặc giảm viện phí tại các cơ sở quân y và dân y theo quy định của Chính phủ (Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam).

Với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó có một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành, ngay từ dự thảo đầu tiên đăng tải rộng rãi xin ý kiến góp ý, Ban soạn thảo đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Trong quá trình xin ý kiến góp ý, chính sách này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của đội ngũ nhà giáo trong cả nước. Quá trình rà soát, điều chỉnh dự thảo Luật Nhà giáo qua các giai đoạn xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, chính sách này tiếp tục được đề xuất và có đánh giá tác động tài chính, tính toán nguồn lực để thực hiện. Đây là quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.

Trong đó, việc dự toán số kinh phí chi trả cho con nhà giáo dựa trên mức trung bình học phí các cấp học theo quy định hiện hành. Dự tính về số lượng con nhà giáo thụ hưởng chính sách này được tính theo số lượng nhà giáo có con trong độ tuổi học từ mầm non đến đại học.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác và hằng năm mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỉ đồng. Đề xuất này vấp nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng, có nhiều đối tượng khác cũng cần được hỗ trợ miễn học phí trong khi giáo viên không phải quá khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo - ảnh 2
 Chính sách hỗ trợ nhà giáo trong dự thảo mới nhất sẽ bao gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ...

Ngay sau khi các đề xuất dự kiến (nhất là về kinh phí) được thông tin, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện của dư luận xã hội đối với nội dung này.

Bộ GD&ĐT nghiêm túc lắng nghe các góp ý, phản biện để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ. Do đó, với nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ GD&ĐT đã đưa ra khỏi dự thảo.

Như vậy, chính sách hỗ trợ nhà giáo trong dự thảo mới nhất sẽ bao gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản…

Bộ GD&ĐT cho biết: Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).