
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025
Theo đó, Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán thu ngân sách Trung ương năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là 4.327,121 tỷ đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là 4.327,121 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương như tờ trình của Chính phủ.
Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, về nội dung đề xuất, bảo đảm việc bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương đủ thủ tục, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán nguồn vốn viện trợ của nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Trước đó, ngày 19/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước chi thường xuyên từ nguồn vốn từ viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2025.
Theo đó, tổng nhu cầu bổ sung dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài) năm 2025 cho các cơ quan với số vốn là 4.327,121 tỷ đồng.
Bộ Y tế chiếm phần lớn với 4.080,65 tỷ đồng, để quyết toán viện trợ chống dịch COVID-19. Ngoài Bộ Y tế, nhiều bộ, ngành và địa phương khác cũng đề xuất bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ với tổng số tiền là 246,471 tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị bổ sung 126,625 tỷ đồng cho sự nghiệp kinh tế, tập trung vào hỗ trợ khắc phục hậu quả của Bão Yagi; Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung 19,18 tỷ đồng cho sự nghiệp khoa học công nghệ và giáo dục-đào tạo; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung 4,392 tỷ đồng cho công tác giáo dục-đào tạo.
Ngoài ra, các tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đề xuất bổ sung ngân sách để thực hiện các hoạt động bảo đảm xã hội và quản lý hành chính.
Ở cấp địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị bổ sung 11,708 tỷ đồng; Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đề xuất bổ sung 8,895 tỷ đồng cho các hoạt động bảo đảm xã hội và sự nghiệp kinh tế.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay đề xuất của Chính phủ là có cơ sở, phù hợp với biên bản thẩm định quyết toán năm 2022 của Bộ Tài chính và kết luận của Đoàn Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhất trí với phương án bổ sung dự toán cho các bộ, ngành, địa phương như đề xuất của Chính phủ.
Thu Giang