Tin liên quan
Hãy cam kết trở thành những người bảo vệ trái đất, vì sự phong phú, đa dạng sinh học
Luật Đất đai 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ cho địa phương
Giải quyết các nội dung tài chính, giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự Chương trình có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận; bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, lãnh đạo các địa phương, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Thái Bình, lãnh đạo các Tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đồng hành và hơn 200 bà con nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy mỗi người nên trồng ít nhất một cây xanh vào dịp Tết để góp phần làm cho quê hương, đất nước càng ngày càng xuân. Từ đó, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Việc trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đang là một thách thức, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của nhân dân. Sự phát triển của cây xanh đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện môi trường; góp phần giảm thiểu tác động do thiên tai, hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu; đồng thời, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
(ảnh Bộ TN&MT)
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị đồng hành xin được trao tặng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và nhân dân huyện nhà 10.000 cây xanh, gồm cây trang và cây bần, là những cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất ngập nước Thái Thụy.
Tại Lễ phát động tiến thành trồng 300 cây trang và 1.000 cây bần; số cây còn lại sẽ được trồng trong những ngày tiếp theo tùy thuộc điều kiện thời tiết và con nước, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/3/2025. Đây chính là việc phát triển rừng bằng trồng cây đa mục tiêu: bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đê biển, chắn sóng và tạo sinh kế bền vững cho nhân dân địa phương.
Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm nay, cũng là dịp để chúng ta hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới với chủ đề năm 2025 là “Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta”. Trong đó, nhấn mạnh sự chung tay góp sức của cộng đồng để bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, hướng đến một thế giới mà tất cả mọi người có thể hưởng lợi từ các dịch vụ duy trì sự sống mà các vùng đất ngập nước mang lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm nay với chủ đề "Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta". Do vậy, chúng ta hãy luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của các hệ sinh thái đất ngập nước trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo môi trường sống cho con người. Thiên nhiên đã tạo nên vùng đất ngập nước tại vùng ven biển tỉnh Thái Bình, với giá trị cao về đa dạng sinh học.
Hiện tỉnh Thái Bình đã thành lập hai khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải), nơi đây là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới... Do đó, bảo vệ và phát triển các khu vực này là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Trong những năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước vẫn là thách thức lớn.
Chủ tịch tỉnh Thái Bình kêu gọi toàn thể các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi người dân trong tỉnh hãy tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn. Mỗi người một cây, mỗi nhà một vườn, chung tay xây dựng một Thái Bình xanh tươi, phát triển bền vững.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện, UNDP Việt Nam nhấn mạnh: Rừng ngập mặn được gọi là các "chiến binh khí hậu", và đó là lý do tại sao sự kiện trồng rừng ngập mặn hôm nay là sự kiện mà tôi đã rất mong đợi. Hôm nay, tôi được vinh dự cùng các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương cùng nhau hành động để gửi đi thông điệp nêu bật tầm quan trọng của các khu vực đất ngập nước và rừng ngập mặn trong việc bảo vệ môi trường và giúp gìn giữ một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn.
Theo bà Ramla Khalidi, năm 2019, UNDP đã vinh dự được đồng hành và hỗ trợ tỉnh Thái Bình trong việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy.
Đối với hàng triệu người dân Việt Nam, các hệ sinh thái này rất cần thiết cho sinh kế của họ; cung cấp thực phẩm, nguồn nước và tài nguyên cho cuộc sống bền vững. Bảo vệ các hệ sinh thái này vừa là trách nhiệm chung vừa là khoản đầu tư quan trọng cho tương lai.
UNDP tự hào hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước và rừng ngập mặn nói chung. Các hoạt động hợp tác lâu dài của chúng tôi với Bộ TN&MT, Bộ NN & PTNT và chính quyền địa phương đã mang đến kết quả của việc trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn kể từ năm 2017, với kế hoạch trồng thêm 1.000 ha trong những năm tới. Thông qua sáng kiến Lời hứa khí hậu (Climate Promise), chúng tôi đang hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu carbon rừng ngập mặn ven biển, để làm đầu vào quan trọng cho các chính sách về bảo tồn và ứng phó với khí hậu.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ mong muốn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và mỗi gia đình, cá nhân hãy cùng chung tay, góp sức và tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động trồng cây, trồng rừng. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tăng cường hoạt động trồng cây xanh trên khắp cả nước, không chỉ vào dịp Tết đến, Xuân về mà trồng cây vào cả mùa Xuân và các mùa khác trong năm khi điều kiện thời tiết phù hợp. Quán triệt sâu sắc và lan tỏa rộng rãi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý nghĩa của việc trồng cây là hoạt động “tốn kém ít mà lợi ích nhiều”, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi bền vững hệ sinh thái.
(ảnh Bộ TN&MT).
Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn thiên nhiên dựa vào cộng đồng. Tất cả các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội cần chung tay ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho người dân về bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là phát triển rừng bằng trồng cây đa mục tiêu. Kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tạo sự lan tỏa và thúc đẩy nỗ lực chung của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.