Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh nâng cấp hạ tầng giao thông sau sáp nhập

Admin
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, sau sáp nhập, nhu cầu đi lại nội tỉnh, nhất là giữa các đô thị cũ gia tăng, gây áp lực lên hệ thống giao thông hiện hữu, do đó cần phải sớm nâng cấp hạ tầng.

Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Ngành xây dựng tăng trưởng 9,62%, cao nhất 5 năm

Phát biểu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, theo ước tính của Bộ thì để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8% trở lên thì ngành xây dựng cần tăng trưởng từ 9% trở lên; các ngành kinh tế thuộc quản lý của Bộ Xây dựng ước đạt tỉ trọng khoảng 17,23% giá trị GDP cả nước (tăng thêm khoảng 0,17% so với năm 2024), qua đó đóng góp khoảng 1,96 điểm % tăng trưởng vào tăng trưởng GDP.

Ngành xây dựng tăng tốc: Mục tiêu tăng trưởng trên 9%, hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp của ngành.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành xây dựng tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-20252, đóng góp vào 0,63 điểm phần trăm tăng trưởng và cùng với ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng 36,96% cơ cấu nền kinh tế quốc gia.

Về công tác triển khai các Dự án kết cấu hạ tầng, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia vượt tiến độ đề ra 6-9 tháng, đã đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác là 2.268 km; cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1, một trong những dự án hạ tầng hàng không quan trọng nhất của quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc sớm hoàn thành các dự án sẽ góp phần giảm chi phí logistics, mở rộng không gian phát triển cho địa phương sau sáp nhập, tăng cường kết nối vùng và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thu hút tư nhân và đầu tư nước ngoài trong phát triển kết cấu hạ tầng tiếp tục duy trì tích cực, tính 6 tháng đầu năm 2025, số vốn nước ngoài cấp mới cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,25 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới trên cả nước.

Phát triển hạ tầng giao thông đô thị thường xuyên được Bộ quan tâm chỉ đạo. Tính đến hết tháng 6/2025, tỉ lệ đô thị hoá của Việt Nam ước đạt 44,3%. Nhiều dự án hạ tầng đô thị, cải tạo các chung cư cũ, hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, xử lý rác thải được quan tâm, triển khai bảo đảm an sinh xã hội.

Về quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, đã nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại 27 địa phương. 

Tính đến 30/6/2025 đã hoàn thành 35.631/100.000 căn, khởi công 26 dự án với quy mô 23.561 căn. Đã tổ chức rà soát và tháo gỡ 136/788 dự án bất động sản có khó khăn vướng mắc và tổng hợp các dự án khác chuyển Bộ Tài chính để nghiên cứu, xử lý theo quy định.

Tình hình thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng của Bộ Xây dựng dự kiến 6 tháng cuối năm vẫn bám sát yêu cầu của ngành đề ra như: Giải ngân toàn bộ Kế hoạch đầu tư công năm 2025; Hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản; Duy trì tăng trưởng hoạt động vận tải khoảng 13%; Sản lượng tiêu thụ xi măng đạt khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3%.

10 doanh nghiệp Bộ Xây dựng lãi 2.300 tỷ đồng trong 6 tháng

Với tính toán của Bộ Xây dựng, việc hoàn thành các mục tiêu trên là khả thi nhằm góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5%, nhất là trong bối cảnh Bộ Xây dựng đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường xây dựng, ứng dụng các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Đề nghị địa phương nâng cấp hạ tầng giao thông sau sáp nhập

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát các vấn đề phát sinh sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kịp thời đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng ngành.

Bộ đã thiết lập đường dây nóng, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ và cử cán bộ trực tiếp khi cần thiết.

Sau sáp nhập, nhu cầu đi lại nội tỉnh, nhất là giữa các đô thị cũ, gia tăng, gây áp lực lên hệ thống giao thông hiện hữu. Bộ đề nghị các địa phương ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến kết nối, đầu tư cao tốc liên tỉnh theo quy hoạch, bố trí đủ nguồn lực bảo trì quốc lộ được phân cấp.

Để bảo đảm mục tiêu giải ngân đầu tư công và hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025, Bộ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại.

Về nhà ở xã hội, Bộ đề xuất Thủ tướng sớm ban hành quyết định điều chỉnh chỉ tiêu đến năm 2030, làm cơ sở để các tỉnh tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sau sáp nhập, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong phát triển nhà ở xã hội.