Món nợ từ “trên trời rơi xuống”
Đó là trường hợp của chị Vũ Thị Thu Thủy (Long Biên, HN) và người thân. Chia sẻ với báo Phụ nữ Thủ đô, chị cho biết, ngày 20/6, điện thoại di động của mẹ chị nhận được điện thoại từ một số lạ. Đối tượng cho biết, 6 năm trước, bố chị đã mua trả góp điện thoại di động thông minh Samsung tại một cửa hàng điện máy nhưng đến nay vẫn chưa trả hết tiền.
Vì vậy, mẹ chị phải trả nợ thay cho bố, nếu không cửa hàng sẽ làm hồ sơ kiện bố chị ra Tòa vì tội “quỵt nợ”.
“Đối tượng không nói rõ bố tôi mua điện thoại có giá bao nhiêu tiền, đã trả bao nhiêu và còn vay bao nhiêu mà chỉ thông báo số tiền vay trả góp và lãi tính cộng dồn qua 6 năm là hơn 100 triệu đồng”- chị Thủy cho biết.
Theo chị Thủy, bố chị đã qua đời từ năm 2000. Là người thừa kế sau khi bố chị qua đời, mẹ chị và các con có trách nhiệm với những gì bố chị để lại. Tuy nhiên, dù là nhận quyền hay nghĩa vụ thì đều phải hợp pháp, hợp lý.
“Khi còn sống, gia đình tôi chưa từng thấy ông sử dụng điện thoại mới, cũng không thấy ông kể là đã đi mua điện thoại trả góp. Bố tôi trước đây chỉ ở nhà, không đi làm nên cũng không có thu nhập. Tiền tiêu vặt hàng tháng của bố do vợ và các con đưa cho nên bố tôi không có tài sản thế chấp. Không lẽ, một cửa hàng điện máy lại chấp nhận nắm đằng lưỡi để cho một người không có tiền, không có tài sản và khả năng trả nợ mua trả góp?”- chị Thủy đặt dấu hỏi.
Sau cuộc gọi đầu tiên, thấy gia đình chị Thủy không dễ dàng đồng ý trả nợ, những ngày sau, đối tượng vẫn liên tục đeo bám. Thậm chí, đối tượng còn biết được cả tên tuổi, cơ quan của mẹ chị đang làm việc và đe dọa nếu không hợp tác, đối tượng sẽ gọi điện tới cơ quan của mẹ chị để quấy phá. Quá lo sợ, mẹ chị không dám dùng điện thoại đó nữa.
Sau những hành vi bất thường đó, chị Thủy lục tìm lại giấy tờ của người bố đã mất nhưng tuyệt nhiên vẫn không thấy bất kỳ một bút tích nào cho thấy ông đã mua điện thoại trả góp.
Vì vậy, chị Thủy kiên quyết không trả nợ và tìm tới báo Phụ nữ Thủ đô để chia sẻ câu chuyện của mình và nhờ tư vấn theo quy định của pháp luật, gia đình sẽ phải làm gì để khi “bỗng dưng trở thành con nợ thay người thân đã khuất như vậy”.
Làm gì để không rơi vào bẫy lừa đảo?
Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trường hợp bị đòi nợ của gia đình chị Thủy có thể chia thành hai tình huống.
Một là, nếu việc vay mua đồ trả góp là có thật, tức là bố của chị Thủy và bên thứ ba có xác lập hợp đồng vay tài sản và xác định bên vay phải trả lại tài sản và tiền lãi (theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015) thì bên cho vay vẫn có thể đòi lại tài sản dù cho bên vay đã chết.
Cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người cho vay thì Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về những người phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi mà người vay tiền chết. Khi đó, nghĩa vụ trả nợ sẽ do những người thừa kế của người vay đã mất thực hiện.
Nếu bố chị Thủy để lại di chúc thì người thừa kế theo di chúc có trách nhiệm trả nợ. Còn nếu không để lại di chúc thì trách nhiệm trả nợ thuộc về người thừa kế theo pháp luật (có thể là vợ, các con, cha mẹ đẻ của người chết).
Hai là, việc vay trả góp không có thật, bên đòi nợ không cung cấp được chứng cứ liên quan đến giao dịch vay nợ. Điều này có thể lý giải là do những đối tượng tự bịa ra các khoản vay khống, không có thật nhằm cưỡng đoạt tài sản của người dân. Hoặc cũng có trường hợp hồ sơ vay nợ do đối tượng xấu tạo dựng dựa trên những giấy tờ giả hoặc các giấy tờ, thông tin cá nhân do người khác bị đánh cắp hoặc bị rơi, thất lạc mà không phải chính chủ các giấy tờ, thông tin đó giao kết hợp đồng vay.
Trong trường hợp này thì người bị đòi nợ dù không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, đưa tiền nhưng sẽ gặp rắc rối, phiền nhiễu, ảnh hưởng danh dự, uy tín, nhân phẩm.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Lam cho biết, trường hợp đối tượng có hành vi gọi điện, nhắn tin nhằm ép buộc cá nhân phải trả một khoản nợ “khống”, khoản nợ không có thật là hành vi có dấu hiệu tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Trường hợp người gọi điện, nhắn tin không nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản mà nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì hành vi này có dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Trường hợp gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu của tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Trong trường hợp có các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Có thể nói, trường hợp như chị Thủy và gia đình “bỗng dưng bị đòi nợ” thay người thân đã mất không phải cá biệt. Thời gian qua đã ghi nhận nhiều người dân phản ánh thường xuyên bị quấy rối, đòi nợ với những khoản nợ chưa bao giờ vay, không có thật.
Khi rơi vào tình huống này, người dân có thể giải thích về việc không có trách nhiệm với khoản nợ và hỏi rõ về đơn vị đang đòi nợ, nhắc nợ để nắm bắt thông tin.
Nếu vẫn bị đối tượng tiếp tục làm phiền nhiều lần, quấy rối… người dân có thể lưu lại số điện thoại, ghi âm, lưu thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ và làm văn bản kiến nghị, khiếu nại đến tổ chức cho vay nợ về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ.
Đồng thời, có thể gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
HOÀNG LAN