Cảnh giác lừa đảo combo du lịch mùa cao điểm

Hoàng Huyền
Cao điểm du lịch hè đã bắt đầu, báo hiệu nhu cầu gia tăng từ khách hàng. Đây cũng là lúc nhiều vụ lừa đảo diễn ra.

Tối 7/6, giới kinh doanh combo du lịch Việt Nam đồng loạt chia sẻ thông tin về một vụ lừa đảo lớn. Có tới 144 khách đi Phú Quốc (Kiên Giang) ra sân bay mới biết không có vé.

Cho tới nay, tính xác thực của thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, theo những người làm du lịch, đây chính xác là thời điểm các "cú lừa combo" diễn ra nhiều nhất.

Đủ các thủ đoạn

Bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, cho biết thời gian trước, trong giới bán combo du lịch có rộ lên thông tin về voucher một triệu đồng/người/chiều bay. Bên cạnh mức giá rẻ bất ngờ, voucher này còn hấp dẫn nhờ việc có thể bay mọi chặng, chỉ cần trả tiền trước.

Hay như đợt Tết năm 2021, một số đối tượng lừa đảo cũng tung ra giá vé khứ hồi 3 triệu đồng/người cho nhiều chặng "hot".

"Các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý ham rẻ của chủ đại lý (thường là mới vào nghề) và khách hàng thiếu kinh nghiệm. Bạn phải hiểu bản chất giá vé và cân nhắc những mức giá rẻ khó tin. Tôi chưa bị mời chào như thế. Tuy nhiên, nếu ai bảo tôi có voucher một triệu đồng/người/chiều bay, kể cả cao điểm, tôi sẽ không thèm nói tới câu thứ hai", bà Tuyết khẳng định.

Cũng theo bà Tuyết, thủ đoạn của các đối tượng này đôi khi "thật thật, giả giả" khó nắm bắt. Ví dụ, ông A. là kẻ lừa đảo. Ông A. tự nhận là F1 (đại lý lớn, nhập giá tốt từ hãng) và bán lại giá rẻ cho ông B., ông C. Các đoàn khách của ông B., ông C. vẫn được bay với giá tốt nên uy tín của ông A. tăng.

Cho tới khi thấy đã đủ sự tin tưởng, lượng khách đặt nhiều, ông A. mới lừa cú chót và biến mất.

du-lich-dulichgiaitri-du-lich-1654763462.png
Du khách chờ chuyến tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Việt Linh

Dựa trên câu chuyện 144 khách ra sân bay nhưng không có vé, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, cũng có giải thích tương tự. Chiêu trò "thả con săn sắt, bắt con cá rô" này khá hiệu quả. Và mùa du lịch cao điểm chính là "con cá rô" đối tượng lừa đảo hướng tới.

Trao đổi với Zing, ông Đạt nhấn mạnh với khách hàng mua vé lẻ, sau khi thanh toán, bạn sẽ nhận được mã đặt chỗ ngay. Tuy nhiên, các đại lý, kể cả công ty của ông, thường sẽ mua một "series booking" từ sớm để có giá tốt.

Hiểu đơn giản, "series booking" là hình thức ôm vé giá tốt từ các hãng hàng không. Các đại lý, công ty du lịch mua một lượng vé lớn từ sớm nhưng chưa vào tên khách hàng. Số vé này cũng chỉ được bay trong khoảng thời gian nhất định. Nếu không đủ khách, họ sẽ mất tiền.

Vấn đề ở chỗ, với những đoàn lớn như 144 người, các công ty sẽ không mua vé lẻ cho từng khách. Họ sẽ sử dụng các "series booking" đã mua sẵn. Các "series booking" cũng có mã đặt chỗ nhưng có đưa cho khách cũng không kiểm tra được. Phải tới khi công ty gom đủ người, họ mới vào tên và xuất vé. Lúc ấy, khách mới có thể kiểm tra.

"Kể cả khi khách cẩn thận hỏi về mã đặt chỗ, những kẻ lừa đảo cũng có thể giải thích được. Đôi khi, khách hàng cũng nghi ngờ và yêu cầu chúng tôi chứng minh. Việc dễ nhất là đưa giấy tờ kinh doanh có đầy đủ thông tin của công ty để họ đối chứng", ông Đạt nói.

Thật giả lẫn lộn

Chiêu phổ biến nhất của các đối tượng lừa đảo là làm giả giấy tờ thanh toán hoặc mạo danh những đơn vị uy tín. Khi nói đến chiêu trò này, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, chia sẻ mình vẫn không thể quên nổi "cú phốt từ trên trời rơi xuống" hồi tháng 9/2021.

Thời điểm này, hàng không vẫn chưa thực sự trở lại. Rất nhiều du khách du lịch Phú Quốc bị mắc kẹt, không về được nhà. Lợi dụng tâm lý mong về nhà của du khách, có đối tượng đã mạo danh là người của Best Price, chào bán vé máy bay đưa khách từ Phú Quốc về nhà.

"Thời điểm ấy làm gì có chuyến bay mà mua. Tôi không quên được cảnh người ta kéo đến công ty, hỏi chúng tôi đủ thứ chuyện về kẻ lừa đảo. Họ còn quay phim, chụp hình, phỏng vấn chúng tôi nữa. Phải tới khi công ty chứng minh không có như vậy, mọi thứ mới được êm xuôi", ông Tú nói.

du-lich-2-dulichgiaitri-du-lich-1654763675.png
Làm giả giấy tờ thanh toán là chiêu trò khá dễ thực hiện. Ảnh: Best Price

Ngoài ra, nhiều kẻ lừa đảo cũng dùng chiêu trò làm giả giấy tờ thanh toán để gửi cho khách hàng. Thực tế, theo đại diện AZA Travel, việc làm giả cũng không cần kỹ thuật, trình độ công nghệ cao siêu. Chúng có thể dễ dàng kiếm được các hóa đơn thanh toán bản mềm (trên mạng hoặc do tự đặt). Sau đó, các đối tượng sẽ chỉnh sửa lại thông tin để gửi cho khách hàng.

Về chiêu trò này, ông Đạt chỉ ra có hai vấn đề khách cần lưu ý. Thứ nhất, phải chú ý tên miền địa chỉ e-mail của người bán là cá nhân hay doanh nghiệp. Nếu là e-mail cá nhân nhưng lại lấy danh nghĩa doanh nghiệp, du khách cần lưu ý.

Thứ hai, để làm giả thông tin combo du lịch, nhất là những combo kèm vé máy bay, du khách cần chú ý số hiệu chuyến bay. Mỗi số hiệu chuyến bay thường ứng với hành trình nhất định. Số hiệu chuyến bay chặng TP.HCM - Hà Nội không thể nào giống chặng Hà Nội - Phú Quốc được.

"Thực ra, người làm nghề có kinh nghiệm sẽ dễ chỉ ra điểm bất thường hơn. Tuy nhiên, nếu kẻ lừa đảo thực sự cao tay, không dễ để phát hiện được. Combo du lịch là thứ dịch vụ yêu cầu trả tiền trước, dùng sau. Nó vô hình chứ không hữu hình như những mặt hàng bình thường khác để phán xét thật giả", ông Đạt nói.

Đại diện AZA Travel cho biết du khách nên kiểm tra kỹ uy tín người bán và giá vé máy bay, phòng khách sạn ở thời điểm đặt. Nếu mức giá quá rẻ (khoảng 20-50% so với tự đặt), bạn cần đặt ra nghi vấn.

Anh Tú