BV Hữu Nghị: Ứng dụng tán sỏi đường mật qua da thay thế mổ hở

Admin
(PNTĐ) - Tán sỏi qua da bằng laser được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao bởi tính an toàn, ít xâm lấn, có thể áp dụng điều trị cho những bệnh nhân cao tuổi; nhất là người bệnh đặc thù tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị có bệnh lý nền phức tạp và chống chỉ định tương đối hoặc tuyệt đối với các chỉ định phẫu thuật.

Tin liên quan

Bệnh viện Hữu Nghị cấp cứu kịp thời nhiều bệnh nhân khi bão số 3 đổ bộ

Hội LHPN Hà Nội: Phát động quyên góp ủng hộ người dân chịu thiệt hại do bão số 3

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị sẵn sàng ứng phó tình huống dịch bệnh do mưa lũ

Trước kia đối với sỏi đường mật, bệnh nhân sẽ cần nội soi ngược dòng với các sỏi nhỏ hoặc phẫu thuật với các sỏi lớn hơn. Với sỏi túi mật có thể cần phẫu thuật cắt túi mật. Tuy nhiên với sự ra đời của phương pháp tán sỏi qua da, bệnh nhân và các bác sĩ lâm sàng có thêm sự lựa chọn trong điều trị sỏi đường mật, sỏi túi mật với xâm lấn tối thiểu mà vẫn giải quyết được vấn đề sỏi mật, thậm chí là bảo tồn túi mật.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm duy nhất có kích thước rất nhỏ vài mm ngoài cơ thể, xuyên qua da ngoài thành bụng để vào đường mật trong gan hoặc vào trực tiếp túi mật. Tiếp đó sử dụng công nghệ laser để tán sỏi lớn thành các viên nhỏ hơn  và đưa hết sỏi ra ngoài cơ thể.

Mặc dù mang lại những ưu điểm vượt trội, nhưng phương pháp này không chỉ đòi hỏi những loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, mà còn cần có những chuyên gia giỏi được đào tạo bài bản để thực hiện kỹ thuật. Do đó, tính đến nay không nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam ứng dụng được phương pháp tán sỏi mật qua da, trong đó có Bệnh viện Hữu Nghị.

BV Hữu Nghị: Ứng dụng tán sỏi đường mật qua da thay thế mổ hở - ảnh 1
Bác sĩ BV Hữu Nghị thực hiện kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da.

Theo BS Lê Hoàng Đạt - khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) và Điện quang can thiệp, tán sỏi qua da bằng laser là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo bài bản. Do cấu tạo của hệ thống đường mật và các mạch máu trong gan rất phức tạp, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, bác sĩ thực hiện phải là người có chuyên môn sâu, hiểu biết rõ về hệ thống đường mật và mạch máu trong gan. Ngoài ra, còn cần có kinh nghiệm và kỹ năng tốt về can thiệp đường mật, nội soi và tán sỏi bằng laser.

Tại BV Hữu Nghị, y bác sĩ đã thực hiện rất nhiều ca điều trị tán sỏi mật qua da thành công. Sau điều trị, bệnh nhân không đau nhiều, hồi phục nhanh chóng. Đơn cử trường hợp nam bệnh nhân V.V.B (86T quận Hoàng Mai – Hà Nội), tiền sử tăng huyết áp, hẹp động mạch vành đã đặt stent, phì đại tiền liệt tuyến đã phẫu thuật bóc u xơ.

Ngày 1/8/2024 bệnh nhân vào viện vì vào viện vì sốt, vàng da, mệt, cảm giác khó thở. Xét nghiệm BC, BC trung tính, CRP, PCT... tăng, enzym gan tăng vừa, Bilirrubuin tăng cao... chụp CT Scanner ngực bụng phát hiện nhiều sỏi ống mật chủ gây giãn đường mật trong và ngoài gan.

Bác sĩ đã tư vấn, giải thích kĩ bệnh nhân về các phương pháp can thiệp sỏi đường mật để tránh tái phát nhiễm trùng đường mật nhưng bệnh nhân do dự muốn ra viện. Chỉ đến khi có dấu hiệu sốt, vàng da trở lại, bác sĩ dành hết tâm sức động viên, tư vấn bệnh nhân mới đồng ý can thiệp sau khi dừng thuốc kháng đông. 

Kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, sau 65 phút can thiệp bằng một lỗ nhỏ trên thành bụng, đưa dụng cụ qua nhánh gan phải vào ống mật chủ, dùng laser tán các viên sỏi mật lớn thành các viên nhỏ hơn và lấy toàn bộ sỏi ống mật chủ qua da. Sau can thiệp bệnh nhân không sốt, vàng da giảm nhiều, dẫn lưu dịch mật trong không có máu, không đau bụng, vị trí tán sỏi qua da đau ít. Chụp đường mật qua da cho thấy đường mật lưu thông tốt xuống tá tràng, không còn tắc nghẽn do sỏi. Bệnh nhân ra viện can thiệp 5 ngày về nhà tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú. 

Chia sẻ thêm về ca bệnh này, BS Vũ Hoài Nam - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: "Bệnh nhân có tiền sử nhiễm trùng đường mật nhiều lần tái đi tái lại, thường vào viện vì sốt cao, rét run và vàng da, đã từng đặt Stent mạch vành và đang duy trì thuốc kháng đông. Xét nghiệm cho thấy tăng men gan và bạch cầu. Kết quả chụp CLVT cho thấy có nhiều sỏi ống mật chủ  khiến đường mật tắc nghẽn và giãn đường mật trong gan. Với nguy cơ cao với phẫu thuật, chúng tôi phối hợp với Khoa chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp tư vấn cho bệnh nhân về phương án tán sỏi qua da".

Chia sẻ sau quá trình điều trị, ông V.V.B cho biết: "Tôi hoàn toàn bất ngờ vì có phương pháp có thể giải quyết được vấn đề sỏi mật dai dẳng của tôi chỉ với một lỗ nhỏ qua da. Trước đây cứ 2-3 tuần là tôi lại bị sốt vàng da và phải vào viện điều trị. Từ khi tán sỏi đến nay, sức khỏe tôi ổn định, các triệu chứng đầy bụng, ăn khó tiêu của tôi cũng không còn nữa. Tôi ăn uống rất thoải mái, da cũng được cải thiện, sáng lên rất nhiều gần như bình thường. Hiện tại Tôi cảm thấy rất hài lòng khi sức khỏe được phục hồi rõ rệt".

Có thể thấy rằng tán sỏi mật qua da bằng laser là bước đột phá của y học, giúp mở ra triển vọng mới trong điều trị bệnh lý sỏi mật. Đây là phương pháp mang lại giá trị thiết thực và rất ý nghĩa với những bệnh nhân sỏi mật tại Việt Nam, một quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lý sỏi túi mật rất cao và phức tạp. BS Lê Hoàng Đạt cũng thông tin thêm: Sỏi túi mật nếu được phát hiện sớm, khi kích thước sỏi chưa quá lớn có thể điều trị nhanh chóng bằng phương pháp tán sỏi qua da, bảo tồn túi mật, rất có ý nghĩa với người trẻ.

Một số bệnh nhân từ cả TP. Hồ Chí Minh đã tìm đến bệnh viện để có thể lấy sỏi qua da và bảo tồn túi mật. Tuy vậy, tán sỏi túi mật sẽ có hiệu quả nhất khi chức năng túi mật còn tốt (>40%). Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lý sỏi mật, người bệnh nên đi thăm khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.